Giá vàng miếng trong nước tăng nửa triệu đồng/lượng dù giá thế giới chững lại
Giá vàng miếng sau khi giảm dưới mốc 74 triệu đồng/lượng vào sáng qua đã nhanh chóng lấy lại mốc này, tiếp tục chênh lệch khoảng 14,5 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế...
Giá vàng thế giới chững ở vùng 2.030 USD/oz trong lúc nhà đầu tư chờ các báo cáo lạm phát Mỹ dự kiến công bố trong tuần này. Giá vàng miếng sau khi giảm dưới mốc 74 triệu đồng/lượng vào sáng qua đã nhanh chóng lấy lại mốc này, tiếp tục chênh lệch khoảng 14,5 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế.
Lúc hơn 9h sáng nay (10/1), Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 71,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74,4 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 450.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá. Nhưng so với cuối giờ chiều qua, giá hiện không có sự thay đổi.
Vàng nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá mua vào là 62,35 triệu đồng/lượng và bán ra là 63,55 triệu đồng/lượng, không thay đổi từ cuối tuần trước.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 71,5 triệu đồng/lượng và 74,5 triệu đồng/lượng, đi ngang so với sáng qua.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 9h theo giờ Việt Nam đứng ở mức 2.031,4 USD/oz, tăng 1,3 USD/oz, tương đương tăng 0,06%, so với đóng cửa phiên ngày thứ Ba tại thị trường New York - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. So với cùng thời điểm sáng qua, giá vàng thế giới đang giảm nhẹ khoảng 2 USD/oz.
Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 60 triệu đồng/lượng, bằng với mức của sáng qua.
So với giá vàng quốc tế quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 14,4-14,5 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao hơn 3,5-3,6 triệu đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.170 đồng (mua vào) và 24.540 đồng (bán ra), tăng 25 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư hướng tới hai báo cáo lạm phát quan trọng - căn cứ để điều chỉnh kỳ vọng về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Năm, tiếp theo là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Sáu.
Theo dự báo của giới phân tích, CPI toàn phần tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Kỳ vọng của nhà đầu tư về một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 3 của Fed tiếp tục giảm xuống. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, thị trường đang đặt cược khả năng 65,7% Fed giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 19-20/3. Cách đây 1 tuần, khả năng này còn ở mức 79%.
Theo nhà phân tích Jim Wyckoff của Kitco Metals, nếu số liệu lạm phát Mỹ cao hơn dự báo, Fed sẽ khó có thể cắt giảm lãi suất sớm. Trong trường hợp như vậy, giá vàng sẽ đối mặt áp lực giảm. Ngược lại, nếu lạm phát tiếp tục suy yếu, khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 3 sẽ tăng lên, có lợi cho giá vàng.
Một thông tin khả quan cho nhà đầu tư trên thị trường vàng là một cuộc khảo sát của Fed New York công bố vào hôm thứ Hai tuần này cho thấy người tiêu dùng Mỹ kỳ vọng lạm phát tiếp tục giảm trong khi thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình sẽ tăng trong mấy năm tới - đồng nghĩa kịch bản nền kinh tế hạ cánh mềm.
Cùng ngày thứ Hai, Thống đốc Fed Michelle Bowman nói rằng chính sách tiền tệ của Fed có vẻ đã “đủ thắt chặt” - tín hiệu Fed có thể không tăng lãi suất thêm và sẽ tiến tới giảm lãi suất.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng trong phiên ngày thứ Ba, đạt hơn 102,5 điểm, từ mức 102,2 điểm của phiên trước. Từ đầu năm đến nay, chỉ số đã phục hồi gần 1,2%, sau khi giảm hơn 2% trong năm ngoái.