Giá vàng thế giới giảm chóng mặt sau khi lập kỷ lục, trong nước sụt nửa triệu đồng mỗi lượng
Vàng sụt giá do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng tăng trở lại. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng chốt lời khi giá vàng đạt mức cao nhất trong lịch sử...
Giá vàng thế giới sụt giảm mạnh sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khiến giá vàng trong nước sáng nay (5/12) đồng loạt giảm 400.000-600.000 đồng/lượng. So với biến động giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước đang ổn định hơn.
Đóng cửa phiên đầu tuần tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay “bốc hơi” 41,9 USD/oz, tương đương giảm hơn 2%, chốt ở mức 2.030,1 USD/oz. Trong phiên giao dịch trước đó cùng ngày tại thị trường châu Á, giá vàng có thời điểm 2.135 USD/oz, cao chưa từng có từ trước đến nay - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Giá vàng giao tháng 2 trên sàn COMEX ở New York giảm 47,5 USD/oz khi chốt phiên, tương đương giảm 2,3%, còn 2.042,2 USD/oz. Trong phiên, có lúc giá vàng giao sau lập kỷ lục ở mức 2.152,3 USD/oz.
Vàng sụt giá do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD cùng tăng trở lại. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng chốt lời khi giá vàng đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đi lên sau khi chạm đáy của 3 tháng, chốt phiên với mức tăng 4 điểm cơ bản, đạt 4,261%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm tăng 7 điểm cơ bản, đạt 4,633%.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,5%, chốt ở mức 103,62 điểm. Trước đó, chỉ số này đã giảm trong 3 tuần liên tiếp tính đến tuần trước.
Theo giới phân tích, dù giảm mạnh trở lại, giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn ở khu vực Trung Đông.
“Giá vàng sẽ hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng USD, từ kỳ vọng rằng đồng USD còn giảm giá, và sức ép địa chính trị vẫn còn đó ở”, chiến lược gia David Stritch của công ty Caxton nhận định với trang MarketWatch.
Cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng trong năm 2023 của Fed sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, thị trường đang đặt cược khả năng gần như 100% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này. Cùng với đó, thị trường đặt cược khả năng gần 60% Fed giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3, từ mức đặt cược chỉ khoảng 22% cho khả năng này cách đây 1 tuần.
Một báo cáo của UBS nhận định vàng đang một lần nữa chứng minh vai trò hiệu quả trong việc đa dạng hoá danh mục đầu tư và phòng ngừa rủi ro. Dù vậy, các nhà phân tích của ngân hàng Thuỵ Sỹ cảnh báo việc nhà đầu tư “đuổi theo” xu hướng tăng của vàng. “Xét tới việc giá vàng đã tăng mạnh trong mấy tuần vừa rồi và kỳ vọng quá lớn về việc Fed cắt giảm lãi suất đã được phản ánh vào giá vàng, chúng tôi sẽ không chạy theo sự tăng giá của vàng trong ngắn hạn”, báo cáo có đoạn viết.
Giám đốc nghiên cứu Adrian Ash của nền tảng giao dịch kim loại quý BullionVault nói rằng giá vàng cao kỷ lục, cộng với mức lãi suất tiền mặt đang cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đã dẫn tới hoạt động chốt lời mạnh mẽ của nhà đầu tư vàng. Trong một bài bình luận, ông Ash nói ngoài các ngân hàng trung ương ở châu Á và các quỹ phòng hộ phương Tây đang mua mạnh vàng, kim loại quý này không phải là một giao dịch hấp dẫn đối với tất cả nhà đầu tư trên toàn cầu ở thời điểm này.
Cũng theo ông Ash, các tiệm vàng ở Mỹ những ngày này chủ yếu phục vụ khách bán và các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng vẫn bán ròng. Ông nhấn mạnh số vàng bán ra trên BullionVault trong ngày thứ Hai nhiều gấp 2,5 lần số được mua trong vòng 7 ngày.
Tuy nhiên, ông Ash dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 do kinh tế giảm tốc và các ngân hàng trung ương chuyển sang cắt giảm lãi suất, cộng thêm việc căng thẳng địa chính trị tiếp tục là một nhân tố hỗ trợ giá vàng.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng 2,3 tấn vàng trong phiên đầu tuần, nâng khối lượng nắm giữ lên 881,1 tấn vàng. Dù vậy, từ tuần trước tới nay, quỹ này vẫn bán nhiều hơn mua.
Trong nước, giá vàng miếng sáng nay tuột khỏi mốc 74 triệu đồng/lượng và giá vàng nhẫn không giữ được mốc 63 triệu đồng/lượng. Nhưng nếu so với mức độ giằng co mạnh của giá vàng quốc tế những ngày gần đây, giá vàng trong nước có phần “êm” hơn. Thay vào đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới liên tục co giãn.
Lúc hơn 9h, Tập đoàn Phú Quý báo giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 72,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 73,8 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tương ứng 300.000 đồng/lượng và 500.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 61,5 triệu đồng/lượng và 62,7 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 72,8 triệu đồng/lượng và 74 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng và 400.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 4,4 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương tăng 0,22%, đứng ở 2.034,5 USD/oz - theo Kitco.
Giá vàng quốc tế quy đổi theo tỷ giá USD bán ra của ngân hàng Vietcombank hiện tương đương gần 60,1 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 13,7-13,9 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao hơn 2,6 triệu đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.050 đồng (mua vào) và 24.420 đồng (bán ra), giảm 40 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.