Giá vàng thế giới tăng vọt lên đỉnh 2,5 tháng, SPDR Gold Trust xả thêm 7 tấn
Dù giá vàng thế giới đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 8, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tiếp tục bán ròng mạnh…
Giá vàng thế giới tăng dữ dội trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, đạt mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi, khi sự leo thang của xung đột ở Trung Đông thúc đẩy giới đầu tư tìm đến với các tài sản an toàn. Giá vàng trong nước sáng nay (19/10) cũng tăng, nhưng mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với giá quốc tế.
Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 24,4 USD/oz, tương đương tăng gần 1,3%, chốt ở mức 1.947,9 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của vàng giao ngay kể từ hôm 1/8.
“Giá vàng có thể vượt mốc 2.000 USD/oz trong ngắn hạn nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang. Ngoài ra, nếu Fed tạm dừng việc tăng lãi suất hoặc phát tín hiệu giảm khả năng tăng lãi suất trong tương lai, điều đó sẽ có lợi hơn nữa cho giá vàng”, nhà quản lý danh mục Ryan McIntyre của công ty quản lý tài sản Sprott Asset Management nhận định với hãng tin Reuters.
Về tình hình Trung Đông, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran ngày 18/10 kêu gọi cấm vận dầu lửa đối với Israel sau vụ nổ tại một bệnh viện ở dải Gaza khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng. Hiện vẫn chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ nổ này, trong khi Israel và Palestine vẫn cáo buộc đối phương đứng sau vụ nổ.
Trong một diễn biến khác, Jordan huỷ một cuộc gặp thượng đỉnh mà nước này dự kiến đăng cai giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo của Ai Cập và Palestine. Ông Biden đã tới Israel vào ngày thứ Tư mang theo cam kết ủng hộ Israel trong cuộc chiến chống Hamas. Việc cuộc gặp thượng đỉnh bị huỷ là “một bước ngoặt ngoại giao làm gia tăng mối lo ngại về sự lan rộng của xung đột” - theo chuyên gia John Evans của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil.
Giá của vàng - tài sản được coi là một “vịnh tránh bão” truyền thống ở những thời điểm nhiều bất ổn về kinh tế và địa chính trị như hiện nay - đã tăng hơn 5% trong tháng 10 này, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ trải qua nhiều phiên bán tháo.
“Giá vàng sẽ tụt trở lại nếu căng thẳng ở Trung Đông xuống thang, nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường đang dự báo căng thẳng leo thang cao hơn”, nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của trang tin kim loại quý Kitco Metals nhận định.
Trong khi đó, nhà phân tích Fawad Razaqzada của công ty City Index giữ quan điểm thận trọng hơn, cho rằng với tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ còn giữ xu hướng tăng, giá vàng đối mặt với rủi ro sụt giảm bất kỳ lúc nào.
Phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 4,9% lần đầu tiên kể từ năm 2007. Cùng với đó, lãi suất bình quân của các khoản vay thế chấp nhà lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm ở Mỹ đã chạm mốc 8%, mức cao nhất kể từ năm 2000.
Xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ được cho là phản ánh kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn. Cơ sở của kỳ vọng này là sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ sau 11 lần nâng lãi suất của Fed từ tháng 3/2022 với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Tư gần mức 106,6 điểm, từ mức 106,25 điểm của phiên trước.
Ngày thứ Năm, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York. Giới đầu tư kỳ vọng bài phát biểu này của ông Powell sẽ đưa ra tín hiệu mới về lãi suất.
Trong khi đó, các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng tiếp tục xu hướng bán ròng. Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng thêm 7,3 tấn vàng trong phiên ngày thứ Tư, giảm khối lượng nắm giữ còn 848,2 tấn. Trước đó, quỹ đã xả gần 7 tấn vàng trong phiên ngày thứ Hai.
Chiến lược gia trưởng Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank nhấn mạnh rằng các công ty quản lý tài sản - lực lượng nhà đầu tư vàng chủ yếu giao dịch qua các quỹ ETF - vẫn đang chú ý nhiều hơn đến các yếu tố sức khoẻ kinh tế Mỹ, lợi suất tăng, và khả năng lãi suất cao hơn lâu hơn, thay vì dựa vào tình hình địa chính trị để đưa ra quyết định mua bán vàng.
Lúc gần 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 1.951,1 USD/oz, tăng 3,2 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ - theo dữ liệu từ Kitco. Mức giá này tương đương khoảng 58,15 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
So với sáng hôm qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng, nhưng giá vàng trong nước sáng nay tăng phổ biến 200.00-300.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,76 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,43 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 330.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Vàng nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long có giá 57,48 triệu đồng/lượng và 58,43 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,75 triệu đồng/lượng và 70,45 triệu đồng/lượng, tămg 250.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 12,3 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 13 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Giá vàng nhẫn cao hơn thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.370 đồng (mua vào) và 24.740 đồng (bán ra), tăng 80 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua, nâng tổng mức tăng trong 3 ngày liên tiếp lên 130 đồng.