Giảm phát thải ngành giao thông vận tải từ nguồn nhiên liệu sạch
Việc tăng cường thực hiện hiệu quả năng lượng “xanh, sạch” đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết của nhiều ngành và lĩnh vực, trong khi đó, ngành giao thông vận tải vẫn đang có lượng phát thải lớn, chiếm hơn 1/4 lượng phát thải của quốc gia…
“Kinh tế xanh” là khái niệm được cả thế giới quan tâm hiện nay. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên tắc của nền kinh tế này chính là giảm thiểu tối đa rác, khí thải độc hại, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo cân bằng lợi ích xã hội.
Từ năm 2010 Việt Nam đã bắt đầu triển khai khi có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xanh và hướng đến tầm nhìn năm 2050 sẽ trở thành quốc gia có phát thải carbon bằng 0.
Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có rất nhiều hiệp định thế hệ mới có những đòi hỏi khắt khe về môi trường, phát triển bền vững. Khách hàng quốc tế hiện nay không chỉ yêu cầu về giá cả và chất lượng mà còn là yếu tố thân thiện, bảo vệ môi trường.
Ở thị trường trong nước, người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm và ủng hộ việc tiêu dùng những sản phẩm “xanh”, sử dụng tối ưu nguồn nguyên, nhiên liệu.
SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG “SẠCH” GIÚP GIẢM THIỂU PHÁT THẢI
Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển nguồn năng lương sạch thông qua hệ thống năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc khuyến khích và hỗ trợ về giá cả trong sản xuất năng lượng sạch đã giúp nước ta có tốc độ phát triển nguồn năng lượng điện từ gió và mặt trời nhanh hơn so với các nước trong khu vực.
Việc sử dụng năng lượng sạch trong phát triển kinh tế đã và đang trở thành mục tiêu phát triển của quốc gia. Trong ngành giao thông vận tải, chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan. Trong đó, mục tiêu hướng đến việc sử dụng phương tiện giao thông đường bộ hoàn toàn bằng điện năng trở thành vấn đề quan trọng thiết yếu trong tương lai.
“Trong những gam màu của “cầu vòng” kinh tế, “xanh” là một trong 7 màu chủ đạo. Kinh tế “xanh” là xu thế không thể đảo ngược, bắt buộc chúng ta phải hành động. Việc phát triển nền kinh tế này và đưa sản phẩm “xanh” của nước ta ra thị trường quốc tế không chỉ là nhiệm vụ riêng của nhà nước hay chính phủ mà cần sự kiến tạo của doanh nghiệp và tất cả mọi người" - Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu.
Ông Đào Xuân Lai, trợ lý Đại diện thường trú và Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên của UNDP tại Việt Nam. Theo đó, UNDP nhận thấy việc phát triển giao thông là vấn đề quan trọng trong việc sử dụng năng lượng. Bởi ngành này chiếm đến 1/4 lượng phát thải tại Việt Nam.
Báo cáo của UNDP phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, được khảo sát tại 5 thành phố trực thuộc trung ương và một số tỉnh khác cho thấy, gần 78% số người được khảo sát mong muốn chuyển đổi phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
“Tín hiệu đáng mừng là chúng ta đang có lợi thế vì trên thế giới giao thông “xanh”, giao thông “điện” đang có tốc độ tăng trưởng tốt, tạo thành một lĩnh vực kinh tế mới. Điều này sẽ thúc đẩy Việt Nam phát triển và toàn diện hóa giao thông từ nhiên liệu sạch, giảm thiểu phát thải carbon”, ông Lai nhấn mạnh.
KỲ VỌNG XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHUẨN XANH QUỐC GIA
Nhiều quốc gia trên và khu vực trên thế giới đã bắt đầu xuất hiện những tiêu chuẩn mới và đang trở thành những yêu cầu bắt buộc về việc nhập khẩu hàng hóa. Những tiêu chuẩn này góp phần phục vụ cho kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, giảm tác động xấu đến môi trường. Ngoài ra, nhiều tiêu chuẩn mới được đặt ra cho những nhóm sản phẩm đã xuất hiện từ trước, nhưng thêm vào đó là việc đề cao hơn vấn đề sử dụng tối ưu nguồn nguyên nhiên liệu mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Việt Nam đã xây dựng gần 13.500 tiêu chuẩn quốc gia cho cộng đồng doanh nghiệp, đạt tỷ lệ khoảng 65% so với bộ tiêu chuẩn thế giới, trải dài khắp các lĩnh vực kinh tế. Đây là nền tảng để hỗ trợ cho các bộ, ngành xây dựng gần 800 tiêu chuẩn quốc gia nhằm đảm bảo an toàn và công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng Bộ Khoa học Công nghệ, gần đây Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đang có chiến lược xây dựng nhóm tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ cho 17 mục tiêu đề ra của Liên Hợp Quốc.
Trong đó đa phần phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững, sử dụng tối ưu nguyên, nhiên vật liệu và sử dụng nguyên, nhiên vật liệu tái chế. Tại Việt Nam việc phát triển nền kinh tế và tăng trưởng “xanh” kỳ vọng sẽ là tiền đề để tạo ra các tiêu chuẩn “xanh” cho quốc gia.
“Việc xây dựng tiêu chuẩn không chỉ đơn thuần là việc của nhà nước, kỳ vọng sẽ nhận được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra những tiêu chuẩn phù hợp để phát triển kinh tế quốc gia. Từ đó có thể làm tiền đề phát triển và đưa những tiêu chuẩn của nước ta ra quốc tế trong tương lai, trở thành “vũ khí” cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Linh nhấn mạnh.