Hà Nội có 6.764 cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi xử lý, sắp xếp lại
Theo số liệu của Sở Tài chính TP.Hà Nội, tính đến ngày 31/12/2023, tổng số cơ sở nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố quản lý, sử dụng thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là 6.764 cơ sở. Trong đó, khối sở, ban, ngành có 1.202 cơ sở; khối quận, huyện, thị xã 4.520 cơ sở; khối doanh nghiệp nhà nước 1.042 cơ sở…
Theo phản ánh của cử tri sau kỳ họp thứ 14 HĐND của UBND TP.Hà Nội, hiện nay, Thành phố đã thực hiện sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ quan, đơn vị... nên nhiều nhà đất công bị bỏ hoang, một số khu nhà, căn hộ tái định cư, tài sản công để không lâu năm bị hư hỏng, xuống cấp. Do đó, cử tri đề nghị Thành phố tiến hành rà soát, có biện pháp giải quyết, tránh lãng phí trong thời gian tới.
Về vấn đề này, UBND TP.Hà Nội cho biết đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của Thành phố và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý, đảm bảo tiết kiệm hiệu quả, tránh lãng phí tài sản công.
Theo số liệu của Sở Tài chính, tính đến ngày 31/12/2023, tổng số cơ sở nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố quản lý, sử dụng thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định là 6.764 cơ sở (khối sở, ban, ngành có 1.202 cơ sở; khối quận, huyện, thị xã 4.520 cơ sở; khối doanh nghiệp nhà nước 1.042 cơ sở). Trong đó, số cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý là 6.018 cơ sở (chiếm tỷ lệ 90%).
Thực hiện Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP.Hà Nội giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 và hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND TP cũng ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND ngày 19/7/2023 đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của Thành phố, Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý 100% cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của mình trong năm 2025.
Theoo đó, Thành phố giao các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp khẩn trương đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất chưa kê khai theo tiến độ tại Kế hoạch, trình UBND TP phê duyệt và chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc không thực hiện, hoặc chậm thực hiện việc kê khai, báo cáo và tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích hoặc mất hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc nhà, đất.
Đối với cơ sở nhà, đất chưa hoàn thiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ nguồn gốc, hồ sơ pháp lý liên quan và quy định của pháp luật về đất đai, để xem xét giải quyết cho người sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất xong hoàn thiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất.
UBND quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, nắm bắt thông tin các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, hoặc địa phương khác trên địa bàn hiện không sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương khác chuyển giao, hoặc thu hồi về thành phố quản lý, phục vụ mục đích công cộng.
Bên cạnh đó, thực hiện hướng dẫn của Bộ Tài chính tại văn bản số 5783 ngày 7/6/2023, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài chính tổ chức kiểm tra chuyên đề công tác quản lý, sử dụng tài sản công trong năm 2023 và dự kiến tiếp tục xây dựng kế hoạch kiểm tra trong giai đoạn tiếp theo tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố ( bao gồm nội dung rà soát công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất) nhằm xem xét, đánh giá việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Từ đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật, phát hiện các quy định còn hạn chế, vướng mắc hoặc chưa phù hợp thực tiễn để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đặc biệt trong công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản công.