Hà Nội: Gần 3.000 dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trong năm 2025
HĐND TP.Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về danh mục 2.527 công trình, dự án thu hồi đất năm 2025; danh mục 430 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2025…
HĐND TP.Hà Nội thống nhất thông qua danh mục 2.527 dự án thu hồi đất năm 2025 với tổng diện tích 9.917,71ha; thông qua danh mục 430 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với tổng diện tích 1.095,66ha.
Về kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở danh mục dự án được HĐND TP thông qua, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Thành phố đã có trong kế hoạch đầu tư công của Thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách Thành phố năm 2025 của HĐND TP. Các dự án thuộc ngân sách cấp huyện để các quận, huyện, thị xã bố trí. Các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng trong năm 2025.
Được biết, năm 2024, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua danh mục: 3.311 dự án thu hồi đất với tổng diện tích 14.442,37ha; 104 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa với tổng diện tích 329,86883ha; 1 dự án chuyển mục đích đất rừng phòng hộ với diện tích 0,3687ha.
Kết quả thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn Thành phố ước đến hết ngày 31/12/2024 là 1.920 công trình, dự án với tổng diện tích khoảng 8.125,98ha (đạt 58% kế hoạch), cụ thể: số dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là 152 dự án, diện tích là 361,2ha; số dự án Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các thủ tục cắm mốc giới phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đang thực hiện thu hồi đất là 1.768 công trình, dự án, diện tích 7.764,78ha.
Nhìn chung kết quả thu hồi đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đã góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của quốc gia và của địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án đã được HĐND TP thông qua năm 2024 còn chậm triển khai, chưa hoàn thành theo tiến độ, do việc lập, đề xuất danh mục các dự án thu hồi đất, danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa còn thiếu tính thực tiễn; nhiều địa phương chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng dẫn đến một số dự án còn chậm trễ, còn hạn chế.
Ngoài ra, năm 2024 là thời điểm Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành (thay thế Luật Đất đai năm 2013) với nhiều quy định mới trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất,... dẫn đến các quy trình, thủ tục có sự thay đổi, UBND cấp huyện cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp quy định hiện hành nên mất nhiều thời gian hơn; Một bộ phận người bị thu hồi đất có tâm lý chờ đợi Luật Đất đai có hiệu lực để hưởng thêm các chính sách nên không phối hợp hoặc chậm bàn giao mặt bằng.
Việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn gặp nhiều khó khăn, nhiều đơn vị tư vấn xác định giá đất không nhiệt tình tham gia xác định giá đất; thị trường quyền sử dụng đất còn hạn chế, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phản ánh đúng giá giao dịch thực tế, thông tin đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất thiếu chính xác, tin cậy; nhiều loại đất, khu vực không có thông tin về giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất...