Hải Phòng dồn lực nâng tầm kinh tế số
Hải Phòng nỗ lực hoàn thành các hạng mục thuộc dự án chuyển đổi số của thành phố, sớm đưa vào vận hành các nền tảng, ứng dụng dùng chung như: cổng dữ liệu mở, kho dữ liệu dùng chung, các nền tảng phân tích xử lý dữ liệu, app công dân…
Từ năm 2023, Hải Phòng đã dành khoảng 400 tỷ đồng và giao cho 8 đơn vị thực hiện với 76 nhiệm vụ cụ thể cho lĩnh vực chuyển đổi số. Tập trung vào việc số hóa lĩnh vực chuyên ngành hỗ trợ quản lý, điều hành giải quyết thủ tục hành chính.
Tổng kết năm 2023, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hải Phòng đạt 29,7%, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra là 25% vào năm 2025.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố tiếp tục đẩy nhanh phát triển hạ tầng số, số hóa các ngành kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã đầu tư bổ sung khoảng 60 trạm BTS (trạm thu phát sóng di động), nâng tổng số trạm BTS trên địa bàn thành phố lên 2.502 trạm.
Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng. Hiện tại, thành phố đang định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai thiết lập và khai thác thử nghiệm 07 trạm BTS công nghệ 5G tại các khu vực cảng biển và khu vực trung tâm thành phố. Trong đó, 05 trạm BTS công nghệ 5G đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm và đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm đầu tư mạng 5G diện rộng trên địa bàn.
Dự kiến, trong năm 2024, trên địa bàn sẽ có khoảng 150 trạm BTS công nghệ 5G. Thành phố hiện cũng đang thí điểm triển khai mạng viễn thông di động 5G dùng riêng (5G Private Mobile Network) phục vụ hoạt động của nhà máy thông minh đầu tiên tại Công ty Pegatron (Khu công nghiệp DEEP C II).
Trong lĩnh vực dân sinh, mạng băng rộng cố định đạt vùng phủ tăng từ 82% hộ gia đình năm 2022 lên 96% hộ gia đình hiện nay. Hạ tầng số đã đáp ứng yêu cầu phủ sóng 100% địa bàn thành phố. Hiện tại, vùng phủ 4G đạt khoảng 95% và nâng tốc độ tải khoảng 16% so với cuối năm 2023, cao hơn 62% so với yêu cầu tối thiểu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
6 tháng đầu năm 2024, thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hải Phòng ước đạt 27.212 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, số hóa các dịch vụ cảng biển Hải Phòng là một trong những lĩnh vực được thành phố và các doanh nghiệp bám sát, đạt nhiều hiệu quả thiết thực.
Hiện tại, 100% số cảng tại Hải Phòng đã có hệ thống quản lý cảng TOS (Hệ thống quản lý khai thác cảng container theo tiêu chuẩn quốc tế). Trong đó, có 22 cảng (chiếm hơn 40% số cảng) đã ứng dụng các nền tảng cảng biển số chỉ trong thời gian nhanh từ 2 - 4 tuần, với chi phí bằng 10 -20% so với các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài.
Việc ứng dụng nền tảng cảng biển số đã góp phần đưa năng lực đón tàu của hệ thống cẩu tăng khoảng 50%, khả năng giải phóng hàng hóa tại bãi tăng 30%.
Các cảng cũng triển khai các ứng dụng định vị dẫn hướng tự động và giám sát hành trình, nhiên liệu cho xe vận chuyển nội bộ; ứng dụng giải pháp cổng thông minh nhận dạng mã container, nhận diện biển số xe đầu kéo, rơ-moóc.
Những ứng dụng chuyển đổi số trong hệ thống cảng biển đã góp phần đưa sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng trong 7 tháng năm 2024 đạt 92,1 triệu tấn, tăng 11,33% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu cảng biển đạt 4.524,5 tỷ đồng, tăng 17,94% so với cùng kỳ.
Từ nay đến cuối năm 2024, Hải Phòng sẽ triển khai hoàn thành các hạng mục thuộc dự án chuyển đổi số của thành phố, sớm đưa vào vận hành các nền tảng, ứng dụng dùng chung như: cổng dữ liệu mở, kho dữ liệu dùng chung, các nền tảng phân tích xử lý dữ liệu, app công dân…