Hơn chục tỷ cổ phiếu ngân hàng đổ xô lên sàn, lợi nhuận tăng đủ bù rủi ro pha loãng?
Bên cạnh triển vọng tăng trưởng lợi nhuận thấp trong quý 3 sắp tới, sự đổ bộ của hàng tỷ cổ phiếu mới lên sàn khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về rủi ro pha loãng khi nhóm này...
Hầu hết các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2021. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 6 tỷ cổ phiếu đổ bộ lên sàn. Từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm hơn 4 tỷ cổ phiếu ngân hàng nữa.
HƠN 10 TỶ CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG ĐỔ BỘ LÊN SÀN HOSE
Phát hành cổ phiếu tăng vốn nhiều nhất phải kể đến CTG. Ngày 25/8 vừa qua là ngày giao dịch đầu tiên của 1,08 tỷ cổ phiếu CTG của VietinBank đã phát hành để trả cổ tức các năm 2017, 2018 và 2019 với tổng tỷ lệ 29,07%. Sau phát hành thêm cổ phiếu, VietinBank dẫn đầu ngành ngân hàng cũng như toàn bộ thị trường chứng khoán về số cổ phần đang niêm yết 4,8 tỷ cổ phiếu.
Trong cùng ngày 25/8, Ngân hàng Quân Đội (MBB) cũng đã đưa 979,6 triệu cổ phiếu lên sàn giao dịch sau khi phát hành trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông hiện hữu. Tổng số khối lượng chứng khoán sau phát hành thêm là 3,78 tỷ cổ phiếu.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SSB) ngày 8/9 vừa qua cũng đã đưa 133 triệu cổ phiếu niêm yết bổ sung sau khi phát hành trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Sau đó, SeABank tiếp tục phê duyệt phương án và giá chào bán 136 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 10,13% để tăng vốn điều lệ từ 13.434 tỷ đồng lên hơn 14.784 tỷ đồng.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng chốt ngày đăng ký để nhận cổ phiếu cổ tức năm 2020. Theo đó, MSB sẽ phát hành thêm 352,5 triệu cổ phiếu, nâng tổng số lượng cổ phiếu sau phát hành lên 1,52 tỷ cổ phiếu.
Tại Vietcombank, Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank (VCB). Theo đó, VCB được bổ sung hơn 7.600 tỷ đồng, thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, VCB chốt phương án tăng vốn thành 2 phần. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm là hơn 1,4 tỷ cổ phiếu. Vốn điều lệ sau 2 phần tăng vốn của VCB lên 50.401 tỷ đồng.
Bên cạnh VCB, từ nay đến cuối năm, cuộc đua tăng vốn của nhóm ngân hàng sẽ còn mạnh nữa khi hàng loạt ngân hàng thông qua kế hoạch tăng vốn. Đơn cử như VPbank (VPB), nhà băng này dự kiến phát hành tối đa đa hơn 1,97 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 80%. Thời gian thực hiện trong năm 2021, sau khi được UBCK Nhà nước thông qua.
Hay SHB cũng vừa được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 7.413 tỷ đồng thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cho cổ đông hiện hữu. Tổng số cổ phiếu phát hành thêm là 742 triệu cổ phiếu. Nếu cả hai đợt phát hành đều thành công, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên gần 26.700 tỷ đồng, tăng 40% so với thời điểm hiện tại. Trước đó, giữa tháng 6, SHB cũng đã đưa hơn 175 triệu cổ phiếu vào giao dịch bổ sung sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019.
Trước đó, ba nhà băng mới gia nhập thị trường chứng khoán trong năm nay gồm Ngân hàng Phương Đông (OCB) đưa gần 1,1 tỷ cổ phần lên sàn HOSE, Ngân hàng Đông Nam Á (SSB) niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phần tại HOSE, và Ngân hàng Việt Á (VAB) đăng ký giao dịch gần 445 triệu cổ phần ở thị trường UPCoM.
Như vậy, nếu tính trong riêng năm nay, có khoảng gần 10 tỷ cổ phiếu ngân hàng bổ sung lên sàn chứng khoán, chủ yếu giao dịch tại HOSE. Trong đó, 8 tháng đầu năm là khoảng 6 tỷ cổ phiếu và dự kiến cuối năm thêm khoảng 4,6 tỷ cổ phiếu nữa.
RỦI RO PHA LOÃNG HIỆN HỮU?
Theo quy định, chậm nhất đến ngày 1/1/2023 là các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Do đó, việc tăng vốn vừa giúp ngân hàng có thể đáp ứng được yêu cầu về an toàn vốn, chịu được những khoản vay rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, có thêm vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, sau đà tăng trưởng 34% trong 6 tháng đầu năm, giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã điều chỉnh đáng kể so với vùng đỉnh, giảm 15%, trong khi triển vọng lợi nhuận nhóm này được đánh giá là kém tích cực.
Do tác động của đại dịch, đã có hàng loạt ngân hàng cắt giảm lãi suất sau khi Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Việc cắt giảm lãi suất cho vay, theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) sẽ khiến NIM bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, khả năng là trong vòng một quý dựa trên kỳ hạn tái định giá của các ngân hàng lớn.
Chứng khoán Yuanta cũng lo ngại thu nhập lãi gộp của các ngân hàng sẽ bị suy giảm sau khi được yêu cầu giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho các khách hàng đi vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19. NIM của ngành ngân hàng sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ so với cùng kì trong nửa cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng đều tăng trích lập dự phòng trong quý 2/2021, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao (LLR). Theo Yuanta, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021E và 2022E phần nào phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng – đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp – sẽ phải tăng thêm dự phòng, từ đó làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.
Một điểm đáng lưu ý nữa là có sự chênh lệch đáng kể giữa những con số trên báo cáo dòng tiền và báo cáo thu nhập của các ngân hàng. Khoản chênh lệch này có thể báo hiệu rằng lợi nhuận có khả năng sẽ bị điều chỉnh giảm trong tương lai, vì đây là dấu hiệu cho thấy khoản nợ quá hạn có khả năng sẽ gia tăng.
Cụ thể, SHB và CTG một lần nữa lại đứng đầu danh sách các ngân hàng có mức chênh lệch âm lớn nhất trong Q2/2021, và 2 ngân hàng này đã liên tục có mặt trong danh sách này kể từ Q2/2020. Do đó, khoản thu nhập lãi chênh lệch giữa báo cáo thu nhập và báo cáo dòng tiền, đặc biệt là đối với SHB và CTG, tiếp tục là những vấn đề cần được chú ý trong tương lai
Trong khi đó, một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản tương đối cao, điều này có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Trong mọi trường hợp, lãi dự thu chưa thu được có thể làm giảm lợi nhuận.
Theo nhận định của giới chuyên môn, tăng trưởng lợi nhuận nhóm ngân hàng nếu không đủ tốt những tháng cuối năm sẽ khó lòng bù đắp được mức độ pha loãng khi hơn chục tỷ cổ phiếu đổ bộ lên sàn.
FiinPro trong báo cáo nhóm ngân hàng cũng cho rằng, thời điểm hiện tại chính là những lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro pha loãng các chỉ số định giá sau khi ngân hàng phát hành tăng vốn thành công. Yếu tố phát hành cổ phiếu một mặt có tác động rất tích cực ở góc độ cải thiện năng lực vốn của ngân hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về quản trị rủi ro, nhưng điều này cũng tạo nên rủi ro pha loãng các chỉ số định giá và do đó, nhà đầu tư nên đánh giá từng cổ phiếu riêng lẻ trong xem xét này.
Cụ thể, trong tổng số 102,6 nghìn tỷ đồng giá trị phát hành vốn mới (bao gồm đã thực hiện và dự kiến thực hiện trong năm 2021) của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết thì các ngân hàng chiếm 21,4% và lên tới 22 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả hình thức phát hành chia tách, thì tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân năm 2021 của các ngân hàng dự kiến tăng 17,6% so với năm 2020. Đây là lý do khiến EPS của các Ngân hàng ước tăng 4,6% trong năm nay dù lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 23,8%.
Dựa trên kế hoạch lợi nhuận và phát hành cổ phần của các ngân hàng cho năm 2021, P/B tương lai năm 2021 của khối ngân hàng là 2,0x.
Tuy vậy, chứng khoán VnDirect lại cho rằng, các nhà đầu tư đều hình dung được bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 sẽ chịu tác động lớn từ đợt bùng phát hiện tại; do đó thị trường chủ yếu sẽ nhìn vào triển vọng lợi nhuận năm 2022. Và khi nhìn vào triển vọng trong năm 2022, thì cổ phiếu ngân hàng đang điều chỉnh 15% sẽ là thời điểm hợp lý để tích luỹ.