Khởi nghiệp trong “bão” Covid-19
Khởi nghiệp trong đại dịch đòi hỏi một nỗ lực phi thường, bởi Covid - 19 đang tạo ra những khó khăn chưa từng có tiền lệ, đặc biệt với nữ phụ nữ thì thách thức sẽ còn lớn hơn. Tuy nhiên, 2 năm qua cũng có không ít nữ doanh nhân đã vượt khó để khởi nghiệp thành công...
Tháng 6/2020, Lê Vũ Diễm Hằng khai trương phòng gym thứ hai mang tên GymHaus tại phố Thụy Khê, Hà Nội. Đây là thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ nhất vừa kết thúc. Nhưng hợp đồng thuê nhà vừa ráo mực thì dịch tiếp tục bùng phát.
Hằng cho biết đó là thời kỳ vô cùng stress, hoang mang, mơ hồ. Điều tốt nhất cô có thể làm là cố gắng động viên chính mình, suy nghĩ tích cực để giữ tinh thần lạc quan nhất. Sau một thời gian ngắn, khi Covid-19 tạm lắng, hiệu suất kinh doanh dần ổn định do nhu cầu về cải thiện sức khỏe của khách hàng vẫn rất cao. Các lần dịch bệnh lẻ tẻ sau đó, Nhà nước cũng không yêu cầu gym đóng cửa nên Hằng và cộng sự vẫn trụ qua các giai đoạn này.
NHỮNG BÀI HỌC GIÁ TRỊ... TỪ COVID -19
Tuy nhiên tới tháng 5/2021, mọi dự định kế hoạch của Hằng lại bị đảo lộn. Làn sóng dịch bệnh lần 4 kéo tới như sóng thần. Các phòng gym của cô phải đóng cửa lâu nhất, chính thức là 6 tháng tròn.
Xuất thân là một công chức nên khi ra ngoài khởi nghiệp, Hằng không thể lường hết những sóng gió của thương trường lại nhiều đến như vậy. Ba năm khởi nghiệp, thì đã có hai năm dính Covid, nhiều lúc cô đã tự hỏi, không biết nên dừng lại hay cố gắng tiếp.
May mắn là với tinh thần không đầu hàng trước dịch bệnh, Hằng và đội ngũ công ty đã nỗ lực vượt qua với kết quả tài chính tạm ổn. Đây cũng là dịp để GymHaus củng cố lại hệ thống và nhân sự.
Cách thức mà Hằng ứng phó để “sống sót” đó là tăng cường truyền thông tới khách hàng về cách tập luyện thay thế như tập online, qua đó duy trì lượng khách hàng tương đối ổn định, tạo công ăn việc làm cho huấn luyện viên.
Song song, Hằng cũng bán các khóa tập ngắn hạn với giá hợp lý qua hình thức Zoom, Group Private trên Facebook để có doanh thu. GymHaus có thể coi là phòng tập năng động hàng đầu trong giai đoạn dịch bệnh với nhiều gói tập online mới cũng như các hoạt động tập luyện cộng đồng hoàn toàn miễn phí. Ví dụ như chiến dịch 4 tuần độ lại body online; hoạt động Fitness Anywhere thu hút gần 100 người tham gia tập luyện trực tuyến.
Ngoài ra, CEO của GymHaus cũng chịu khó sản xuất các video, vlog để đăng tải trên mạng xã hội, đồng thời hợp tác với truyền hình, báo điện tử làm các series hướng dẫn tập luyện tại nhà. Sự năng động này giúp thương hiệu Gymhaus được biết tới nhiều hơn. Cô cũng chủ động và cởi mở đàm phán để được chủ nhà hỗ trợ tiền thuê tối đa.
Nhìn nhận lại chặng đường sóng gió vừa qua, Lê Vũ Diễm Hằng cho rằng ba năm khởi nghiệp gặp phải nhiều thách thức nhưng cô và doanh nghiệp vẫn vượt qua một cách ổn thỏa, nhờ dịch bệnh, doanh nghiệp có bắt buộc phải chậm lại, củng cố con người, hệ thống, quy trình và nhờ đó lại tiếp cận được với nhân lực có tài, và mở rộng tệp khách rộng rãi hơn do tôi phục vụ cả khách hàng qua kênh online.
NỖ LỰC 200% ĐỂ GIỮ THƯƠNG HIỆU
Triệu Thị Linh Giang - Giang Milo là cái tên mới nhưng khá nổi bật gần đây trên thị trường gốm độc bản tại Hà Nội. Bắt đầu khởi nghiệp với gốm vào những năm 2016, ban đầu chỉ định buôn bán gốm Nhật nhưng sau một thời gian “dấn” vào thị trường này, cô nhận thấy gốm Việt không kém cạnh các sản phẩm ngoại nhập, ngược lại gốm Việt gần gũi, thân thuộc. Nếu hợp tác, bắt tay với các thợ thủ công lành nghề, cô có thể thoải mái sáng tạo, thiết kế mẫu mới để chiều khách hàng khó tính.
Giang mò mẫm lên làng gốm Hương Canh, Vĩnh Phúc, trước đây vốn là một làng nghề chuyên làm chum vại nhưng đã gần như thất truyền, ngừng sản xuất vì những sản phẩm quá đơn giản, không có mẫu mã mới, bắt mắt.
Trong làng chỉ còn hai nhà là đi theo hướng mới, làm các loại chum vại, bình hoa, đồ decor theo hướng tiêu dùng ứng dụng nhưng đầu ra của họ cũng rất hạn chế. Giang đặt vấn đề hợp tác lâu dài. Cô đặt hàng theo mẫu mã riêng, nhiều sản phẩm độc bản, tất nhiên với mức giá hấp dẫn hơn cho thợ gốm.
Với hướng đi khá độc đáo này, Giang đã bước đầu thành công khi rất nhiều sản phẩm được đón nhận. Không chỉ bán lẻ tốt, Giang đã dần có được những khu du lịch, resort, nhà hàng, khách sạn đặt những đơn hàng lớn để cung cấp bát đĩa “hàng thửa” cho họ.
Covid-19 ập đến khiến Giang và cộng sự choáng váng. Nhiều thành phố phong tỏa, việc sản xuất, vận chuyển khó khăn, đơn hàng lớn mất dần vì du lịch đóng cửa… Với vốn liếng còn khá khiêm tốn, nếu không giỏi xoay thì dự án khởi nghiệp có nguy cơ đổ bể. Những khó khăn đó là quá sức với một doanh nghiệp cỡ “mini” như của Giang, nhưng nhờ sự động viên, trợ giúp của chồng, gia đình nên từng bước thương hiệu non trẻ của Giang vượt qua được sóng gió.
“Để giữ được thương hiệu, giữ được cửa hàng, em phải cố gắng tới 200%, em hầu như toàn đi đêm từ Hà Nội sang lò gốm để tiết kiệm thời gian, vì ban ngày còn quản lý cửa hàng, kiêm luôn cả việc bán hàng trong khoảng thời gian không tìm được nhân viên ưng ý. Nhưng làm công việc mình yêu thích, kiếm được tiền thì không thấy mệt, sắp tới qua dịch Gốm Giang sẽ mở thêm cả ở miền Nam”, Giang nói.
Sau hai năm khởi nghiệp giữa tâm dịch, thành quả Giang có được khá ấn tượng, cô mở được 2 cửa hàng tại Hà Nội, một cửa hàng tại Thái Nguyên, lượng khách tăng dần đều. Hiện tại, Gốm Giang đang hoàn thiện nốt các khâu thủ tục cuối cùng để được bảo hộ thương hiệu.
CHẶNG ĐƯỜNG CHÔNG GAI TRƯỚC VÀ SAU ĐẠI DỊCH
Khởi nghiệp đúng trong tâm bão là trải nghiệm thực sự đáng nhớ của Nguyễn Nhung, một cô gái thuộc thế hệ 8x. Đầu năm 2021, Nhung cùng với một số người bạn bắt tay vào dự án có tên gọi HQ Care. Cô muốn thử thách bản thân trên một thị trường đang có tiềm năng lớn nhưng đầy thách thức, đó là phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Nhưng bắt tay vào việc, nhà sáng lập HQ Care thấy rất lo lắng bởi thị trường như trăm hoa đua nở. Thậm chí nhiều sản phẩm không đủ chất lượng, chưa có giấy phép cũng được rao bán ở nhiều diễn đàn trên mạng xã hội. Nhung hiểu đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội, bởi nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm chăm sóc sức khỏe là rất lớn, nhưng họ cũng bị rối trí khi tìm kiếm sản phẩm hữu ích cho mình và người thân.
Sau nhiều tháng mò mẫm tìm đường, cuối cùng sản phẩm dung dịch uống bảo vệ sức khoẻ cơ xương khớp của Huacomplex của Nhung và nhóm cộng sự cũng được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép.
Có sản phẩm hữu ích, cũng chưa chắc đã thành công, bởi như đã nói, Covid-19 khiến mọi dự án trở nên quá khó khăn, người người nhà nhà lo sợ thu mình lại, những bệnh tuổi già gặp nhiều vấn đề về xương khớp nhưng không đi khám. Kênh bán hàng chủ lực qua phòng khám của Nhung gần như tê liệt trong những tháng giãn cách. Tiếp tục ngồi im và chờ đợi, dự án của Nhung sẽ thất bại.
“Để thích nghi với tình hình, tôi và cộng sự chuyển hướng truyền thông sản phẩm, đẩy mạnh kênh trực tuyến, từng bước xây dựng từ website với đầy đủ thông tin, đến fanpage với những bài viết khoa học và những thông tin hữu ích. Song song với đó tôi đào tạo nhân viên chuyên nghiệp, tận tâm với khách hàng…”, Nhung chia sẻ.
Cho đến hôm nay sản phẩm của Nhung đã được hàng ngàn người sử dụng với lượt phản hồi tích cực và tái sử dụng với tỷ lệ cao. Biết rõ, để phát triển dự án ở quy mô lớn, đạt được thành công hơn nữa, cả nhóm sẽ phải đối mặt với nhiều chông gai, nhưng Nhung cho rằng, đó là mục tiêu mà cô và cộng sự cần hướng đến.
Bà Nguyễn Thị Sơn, người khởi xướng Sơn Kim Group chia sẻ, so với thế hệ của bà, những nữ doanh nhân trẻ hiện nay bước vào hành trình khởi nghiệp với nhiều hành trang, thuận lợi hơn. Họ bước vào thương trường rất sáng tạo, linh hoạt.
Nhưng hai năm Covid-19 là khoảng thời gian thử thách cực lớn, có những khó khăn mà đến một người dày dạn trên thương trường, trải đủ sóng to, gió lớn như bà cũng khó tưởng tượng ra.
Những người còn trụ lại được là những người kiên trì, can đảm và xứng đáng được vinh danh. Trong thời hậu Covid-19, họ cũng rất cần sự hỗ trợ lớn hơn của Nhà nước, Chính phủ cũng như sự cổ vũ, động viên, khích lệ và ủng hộ của người tiêu dùng trong nước để phát triển mạnh hơn, ổn định hơn qua đó đóng góp vào sự hồi phục kinh tế Việt Nam.