Lạm phát ở Nhật tăng tốc, liệu BOJ có tiếp tục tăng lãi suất?
Với tốc độ lạm phát cao hơn mục tiêu và nền kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu tăng tốc, khả năng BOJ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay đang tăng lên...
Lạm phát lõi của Nhật tăng tốc tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7, nhưng tốc độ tăng của giá cả do nhu cầu đã chậm lại. Sự trái chiều này của dữ liệu có thể khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) lúng túng trong việc ra quyết có tăng thêm lãi suất hay không trong những tháng sắp tới.
Số liệu thống kê công bố ngày thứ Sáu (23/8) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Nhật Bản - thước đo lạm phát không bao gồm nhóm thực phẩm tươi sống - tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 2,6% ghi nhận trong tháng 6. Mức tăng này phù hợp với dự báo của thị trường và đánh dấu tháng thứ 28 liên tiếp lạm phát lõi ở Nhật bằng hoặc cao hơn so với mục tiêu 2% của BOJ.
Tuy nhiên, chỉ số lạm phát “lõi của lõi” - thước đo loại trừ cả nhóm thực phẩm tươi sống và năng lượng, được BOJ xem là thước đo chủ chốt của xu hướng lạm phát - tăng 1,9% trong tháng 7, thấp hơn mức tăng 2,2% của tháng 6. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022, chỉ số này tăng ít hơn 2%.
“Lạm phát lõi tăng phản ánh việc Chính phủ Nhật cắt giảm các khoản trợ cấp hóa đơn điện nước đối với các hộ gia đình. Nếu không tính yếu tố này, lạm phát thực chất đang giảm”, nhà kinh tế cấp cao Masato Koike của công ty Sompo Institute Plus nhận định với hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, với chính sách trợ cấp hóa đơn điện nước đã được nối lại và sự tăng giá gần đây của đồng yên đẩy chi phí nhập khẩu hàng hóa giảm xuống, tăng trưởng CPI lõi của Nhật “có thể sẽ chậm lại” - ông Koike nói.
Dữ liệu lạm phát là căn cứ quan trọng để BOJ đưa ra các quyết định lãi suất. Hồi tháng 7, BOJ khiến thị trường bất ngờ khi tăng lãi suất lên mức cao nhất 15 năm và phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi lạm phát đạt mục tiêu 2% một cách bền vững.
Quan điểm cứng rắn này của BOJ đã khiến đồng yên đang trượt giá bỗng đảo chiều và tăng giá chóng mặt, trong khi thị trường chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 1987. Sau đó, thị trường chứng khoán Nhật nhanh chóng ổn định trở lại nhưng đồng yên vẫn duy trì xu hướng tăng.
Ngoài số liệu lạm phát của Nhật Bản, một nội dung khác thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường tài chính trong ngày 23/8 là cuộc điều trần của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda trước Quốc hội Nhật Bản. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Ueda xuất hiện trước công chúng kể từ khi BOJ ra quyết định tăng lãi suất vào tháng trước. Tại cuộc điều trần này, ông Ueda được cho là sẽ nhận được nhiều câu hỏi về động thái tăng lãi suất hồi tháng 7 của BOJ.
Với tốc độ lạm phát cao hơn mục tiêu và nền kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu tăng tốc, khả năng BOJ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay đang tăng lên. Trong một cuộc khảo sát của Reuters trong tháng 8 này, 57% số chuyên gia được khảo sát dự báo BOJ sẽ tăng lãi suất thêm lần nữa trước khi kết thúc năm 2024.
Số liệu công bố vào tuần trước cho thấy tổng sản phẩm trong nước GDP của Nhật tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong quý 2, đạt 0,8% so với quý 1, so với mức tăng 0,5% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters. Tốc độ tăng trưởng GDP tính theo kỳ 1 năm đạt 3,1% trong quý 2, cũng vượt xa dự báo của giới phân tích.
Sau khi chạm đáy của 38 năm trong tháng 7, đồng yên Nhật đã tăng giá hơn 10% trong vòng 6 tuần trở lại đây. Sáng 23/8, tỷ giá đồng yên đạt mức 145,78 yên đổi 1 USD.
Nếu BOJ tiếp tục tăng lãi suất, trong khi Mỹ và các nền kinh tế phương Tây khác giảm lãi suất, đồng yên có thể tăng giá lên cao hơn.