Luật đất đai, nhà ở có hiệu lực sớm ngày nào tốt ngày đó

Đỗ Phong
Chia sẻ

Theo đại biểu Quốc hội, 5 tháng là thời gian quý giá đối với sự phát triển, đó là những cơ hội giải tỏa những vướng mắc để khơi thông một nguồn lực quan trọng hàng đầu. Không chỉ khơi thông riêng nguồn lực về đất đai mà còn khơi dậy các nguồn lực khác để cộng sinh với đất đai, thúc đẩy sự phát triển...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều 21/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép 3 luật liên quan thị trường bất động sản có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội trước đó.

TRÔNG CHỜ CÁC LUẬT SẼ SỚM GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TỒN ĐỌNG

Nêu quan điểm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trúc Anh, đoàn Tp.Hà Nội đồng tình cao với phương án trình thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đồng ý điều chỉnh thời hạn có hiệu lực lên ngày 1/8 cho các luật.

Dưới góc độ địa phương rất trông chờ vào các luật này sẽ sớm giải quyết được các vấn đề, từ phân cấp, phân quyền, mở rộng danh mục để giải phóng đền bù, tạo ra một cơ chế đền bù và giải phóng đất cho địa phương, cơ chế tạo quỹ đất rất thông thoáng; vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Theo các đại biểu, dự án luật được thi hành sớm hơn ngày nào sẽ có tác động tích cực đến kinh tế xã hội sớm ngày đó. Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương nêu thực tế hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn. Nếu bất động sản không được khơi thông cũng giống như dòng máu của nền kinh tế sẽ bị tắc nghẽn và để càng lâu càng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Do đó, việc đưa các luật vào thi hành sớm sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm 2024.

Đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông.
Đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông.

Còn theo đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông, qua nghiên cứu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Tờ trình của Chính phủ và theo dõi phương tiện thông tin truyền thông, các cơ quan, dư luận xã hội đều cho rằng Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách mới của Đảng, khắc phục những tồn tại, bất cập của các luật trước đây, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, đột phá, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường nhà ở, bất động sản…

Điều này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới. Vì vậy, việc điều chỉnh hiệu lực sớm của các luật sẽ đảm bảo sớm đưa các quy định mới, đột phá, có lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước vào thực thi áp dụng trong thực tiễn. Đại biểu Mai cũng nhận thấy những điểm mới, đột phá, có lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Cho rằng người dân và doanh nghiệp rất chờ đợi và hy vọng Quốc hội sẽ thông qua được luật này để điều chỉnh nhanh thời gian đưa vào thực tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn đại biểu Tp.Hà, Nội, nhận định rằng điều đó là vô cùng quan trọng bởi 5 tháng là một thời gian vô cùng quý giá đối với sự phát triển. Đó là những cơ hội của sự phát triển, cơ hội giải tỏa những vướng mắc để khơi thông một nguồn lực quan trọng hàng đầu trong phát triển đất đai. Tuy nhiên, điều này không phải chỉ khơi thông riêng nguồn lực về đất đai mà còn khơi dậy các nguồn lực khác để cộng sinh với đất đai để thúc đẩy sự phát triển.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị.

Cùng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị, phát biểu: “Nếu chỉ đọc những nội dung được Chính phủ trình, nhất là phụ lục thống kê những điểm có lợi cho người dân và doanh nghiệp thì không có lý do gì để không ủng hộ việc các luật có hiệu lực sớm. Nhất là từ thực tiễn điều hành ở địa phương thì chúng tôi lại càng mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống”.

Các luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập. Nhiều cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý cũng có một phần từ sự bất cập từ đó. Nhiều cán bộ “né tránh”, “đùn đẩy” sợ trách nhiệm cũng có lý do từ bất cập đó. Cho nên, các luật có hiệu lực sớm ngày nào thì tình trạng trên sẽ được cải thiện sớm ngày đó, đại biểu nói.

NHANH CHÓNG HƯỚNG DẪN CHI TIẾT, KHÔNG ĐỂ KHOẢNG TRỐNG PHÁP LÝ

Theo đại biểu, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã lấy ý kiến, xây dựng các văn bản dưới luật để khi luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.

Tuy nhiên, theo đại biểu, những vấn đề được Ủy ban Kinh tế chỉ ra cũng cần được quan tâm đầy đủ, nhất là nhận diện, đánh giá đầy đủ ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt sự phản ứng, tâm lý của xã hội.

Chẳng hạn, Ủy ban Kinh tế quan ngại một số quy định có hiệu lực sớm hơn 5 tháng gây khó khăn cho các đối tượng do yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn.

Luật đất đai, nhà ở có hiệu lực sớm ngày nào tốt ngày đó - Ảnh 1

Về điều kiện đảm bảo, Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Điều đại biểu băn khoăn là tiến độ ban hành các văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các bộ ngành.

Nhất trí đề nghị Quốc hội cho thông qua và có hiệu lực 4 luật này từ 1/8/2024, đại biểu Đồng đề nghị trước khi thông qua luật, cơ quan soạn thảo nên gửi Quốc hội những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết... “Có như thế khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, đại biểu cũng có cơ sở chắc chắn để trả lời cử tri”.

Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai đã có 97 điều giao cho Chính phủ, bộ, ngành, HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

Các nội dung còn lại trong luật có thể thi hành được và phát huy hiệu quả, nhất là chính sách đền bù, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; quy định mở rộng hạn điền đối tượng được chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm của các đơn vị sự nghiệp công lập thế chấp ngân hàng…

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp.

Đối với Luật Nhà ở, kinh doanh bất động sản có nhiều nội dung mới, quan trọng trong quản lý để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phát triển nhà ở.

Trong tổng số 198 điều của Luật Nhà ở đã có là 52 điều giao cho Chính phủ, bộ, ngành, HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết. Luật Kinh doanh bất động sản có 83 điều thì giao 21 điều cho Chính phủ và Bộ Xây dựng quy định thi chi tiết để hướng dẫn.

Như vậy, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể thực hiện ngay mà không phải hướng dẫn chi tiết như như là miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà ở chung cư, nhà ở xã hội, đối tượng là nhà ở xã hội…

Đồng tình các Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống, một số điều luật được thi hành ngay. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ nên có báo cáo tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của địa phương. Cùng với đó đánh giá rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, tạo khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, ảnh hưởng đến đối tượng bị tác động của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực và các điều khoản chuyển tiếp.

Đại biểu đề nghị  Chính phủ chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng để tránh xung đột do chuyển tiếp của Luật Đất đai có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung chuyển tiếp của Luật Nhà ở. Cùng với đó Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thuộc thẩm quyền, đảm bảo chất lượng, tiến độ, không để xảy ra bất cập do thiếu văn bản cụ thể hóa, trình cấp thẩm quyền ký ban hành kịp thời sau khi các luật này được thông qua và có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024 để dễ dàng thực hiện.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng phải khẩn trương ban hành ngay nghị định để cho các địa phương yên tâm nhưng song song với đó thì các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu có thể tổ chức tập huấn đồng loạt để hỗ trợ các địa phương cùng hoàn thiện các hướng dẫn.

Đại biểu kỳ vọng cả Quốc hội, Chính phủ và địa phương cùng chung tay tháo gỡ để đưa 4 luật này vào thực hiện sớm từ 1/8 sẽ đảm bảo tốt, đồng bộ và hiệu quả.

 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Báo cáo giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến đồng tình với hồ sơ Chính phủ trình và phản ánh mong muốn của cử tri luật sớm có hiệu lực, đưa ra nhiều chính sách có lợi ngay, giải quyết những tồn đọng của các địa phương.

Điều các đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều nhất là việc chuẩn bị các quy định hướng dẫn. Theo ông Khánh, ngay từ khi Luật Đất đai được thông qua, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, cơ quan soạn thảo bắt tay ngay hoàn chỉnh nghị định và giải quyết các thông tư.

“Không có rút gọn quy trình, tức là đã thực hiện đầy đủ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng chỉ cho phép được quy trình rút gọn về mặt hiệu lực, thời gian, nhưng quy trình và chất lượng các nghị định, thông tư không rút gọn”, ông Khánh nhấn mạnh.

Ông thông tin, một số nghị định đã lấy phiếu thành viên Chính phủ lần thứ 2. Trong 10 ngày qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì trực tiếp với các bộ trưởng, cơ quan soạn thảo, bộ, ngành liên quan họp trực tuyến và trực tiếp với các địa phương, hiệp hội, rà lại nội dung của nghị định.

“Đến thời điểm này, Chính phủ đã hứa với Quốc hội báo cáo, tờ trình sẽ ban hành trong tháng 6. Hiện nay chúng tôi đang chỉnh lý về mặt kỹ thuật”, ông Khánh nói.

Ông cũng khẳng định trước Quốc hội các văn bản hướng dẫn được ban hành sớm, thực hiện đầy đủ quy trình, đảm bảo chất lượng.

Rất nhiều chính sách của 3 luật sẽ khơi thông nguồn lực của đất nước và thu hút nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đất đai, giải quyết được nhiều tồn đọng, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.

 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con