Năm đầu tiên thực thi Hiệp định UKVFTA, thương mại giữa Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỷ USD

Vũ Khuê
Chia sẻ

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) khởi đầu thực thi trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng trao đổi thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh vẫn tăng trưởng hơn 17% so với năm 2020, đạt 6,6 tỷ USD. Mức tăng trưởng này đã giúp kim ngạch thương mại hai nước quay lại mức năm 2019...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo.

Chiều 15/3/2022, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) tổ chức hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và định hướng sắp tới".

UKVFTA được ký chính thức tại London, vương quốc Anh (UK) ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 01/01/2021 và đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.

Theo đó, 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam - Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Vương quốc Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.

Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Thuế suất đối với thương mại hàng hóa song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tiếp tục được áp dụng như được lặp lại từ EVFTA.

XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM TĂNG TRÊN 16%

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, các cam kết trong hiệp định được kỳ vọng Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư thương mại theo hướng hiện đại, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Đặc biệt với những cam kết sâu về mở cửa thị trường, hàng hoá, dịch vụ thì hiệp định này được mong đợi sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ trong thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương.

Nhận định thành công sau một năm thực thi hiệp định, ông Khánh cho rằng, năm 2021 là năm “vạn sự khởi đầu nan” cho UKVFTA. Thời điểm hiệp định chính thức có hiệu lực cũng cũng là lúc cả hai bên phải đối mặt với diễn biến phức tạp của Covid-19.

Số ca nhiễm tăng cao ở cả hai nước đã gây ra những hệ luỵ không tránh khỏi về nguồn nhân lực, những gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế, thương mại khác.

Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn như vậy, song trao đổi thương mại 2 chiều vẫn tăng trưởng hơn 17% so với năm 2020, đạt 6,6 tỷ USD. Mức tăng trưởng này đã giúp kim ngạch thương mại song phương quay lại mức năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch). Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng hơn 16%, còn Anh xuất sang Việt Nam tăng 24%.

“Số liệu này cho thấy, hiệp định UKVFTA thực sự là con đường cao tốc hai chiều giúp thúc đẩy quan hệ 2 bên theo hướng ngày càng cân bằng hơn”, Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong năm 2021 đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp của Vương quốc Anh vào Việt Nam được cấp mới. Với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD tăng 157% so với cùng kỳ, đã duy trì mức đầu tư trực tiếp của Anh tại Việt Nam ở mức 4 tỷ USD. Anh nằm trong tốp 15 quốc gia hàng đầu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Nhìn lại 1 năm thực thi hiệp định, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cũng thừa nhận, quan hệ  kinh tế hai bên có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Dù thời gian thực thi hiệp định còn tương đối ngắn để có đánh giá đầy đủ nhưng với số liệu ban đầu có thể thấy quá trình thực thi đã mang lại kết quả tích cực với cả hai bên.

Với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam năm đầu tiên có UKVFTA trên 16% thì đây là mức tăng tương đối lớn so với những thị trường khác. Đặc biệt, xuất khẩu sang Anh đạt trên 5 tỷ USD, trong đó có nhiều nhóm mặt hàng tăng trưởng cao như nông sản, chế biến chế tạo (phương tiện vận tải phụ tùng tăng 34%, máy móc thiết bị tăng 16%).

“Rõ ràng, đây là năm đầu tiên hai bên tiến hành giảm thuế cho nhau nên tác động chưa phải lớn nhất, nhưng với những con số này đây là tín hiệu rất tích cực”, ông Thái đánh giá.

DƯ ĐỊA KHAI THÁC CÒN RẤT LỚN

Ông Thái phân tích, UKVFTA đã đưa quan hệ thương mại 2 bên lên tầm cao mới. Trước đây, khi cả giai đoạn đầu chúng ta còn khó khăn, quan hệ thương mại giữa hai bên chủ yếu dựa trên ưu đãi đơn phương của Anh dành cho Việt Nam thông qua Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đến nay, khi chúng ta đã đạt đến quy mô và trình độ nhất định, FTA là khuôn khổ “có đi có lại”.

Một cơ hội nữa cho Việt Nam, Anh là quốc gia nắm nhiều công nghệ nguồn, với hàng hoá có chất lượng rất cao. Trong năm đầu tiên thực thi hiệp định, xuất khẩu của Anh sang Việt Nam đã có mức tăng trưởng rất khá ở mức 23,6%, nếu so với các thị trường khác con số này tăng không nhỏ.

Đáng quan tâm hơn, những mặt hàng hai bên dự tính tập trung hợp tác trong quá trình đàm phán như mặt hàng dược phẩm tăng tới 35%. Hay những mặt hàng khác Anh có thế mạnh như nguyên vật liệu, linh kiện máy tính đều có tăng trưởng xuất khẩu sang VIệt Nam khá trong năm đầu.

Nói về đầu tư, ông Thái cho rằng, dư địa thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư với Anh còn rất lớn. 1 năm chúng ta nhìn chưa rõ về kỳ vọng thu hút đầu tư của Anh vào Việt Nam.

Dù năm đầu tiên đầu tư từ Anh vào Việt Nam có tăng nhưng tăng nhẹ. Bởi tác động về đầu tư trong các FTA thường sẽ lâu hơn so với tác động thương mại. Để xây dựng và thực thi những dự án đầu tư không thể nhanh được. Nhưng chúng ta kỳ vọng thời gian tới đầu tư từ Anh vào Việt Nam sẽ tăng cao hơn nữa.

Không chỉ trong đầu tư, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, còn có nhiều ngành hàng Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn như thuỷ sản, gạo… xuất khẩu sang Anh mà chúng ta chưa tận dụng hết.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại hai bên, theo ông Thái đòi hỏi nhiều vấn đề khác mà hai bên cần hợp tác trong thời gian tới như tăng cường giao lưu doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy xúc tiến thương mại- đầu tư…

“Tới đây hai bên sẽ họp tổng kết 1 năm thực hiện hiệp định để đề ra những định hướng mới, điều chỉnh những bất cập như quy tắc xuất xứ, cấp phép hạn ngạch... Cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần quan tâm nhiều hơn tới hiệp định nhằm thúc đẩy quan hệ hai bên trong thời gian tới để phát huy tiềm năng, lợi thế của hai nước”, ông Thái cho biết và khuyến nghị.

Để biến tiềm năng thành lợi ích thực sự, Thứ trưởng Khánh cũng cho rằng, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần tiếp tục đánh giá, xác định các khó khăn, những vấn đề còn tồn tại và tìm ra những giải pháp khắc phục một cách hiệu quả nhất.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con