Ngăn chặn thất thu thuế: Mua bán, chuyển nhượng nhà đất hai giá
Hàng loạt địa phương vừa có văn bản yêu cầu siết chặt tình trạng chuyển nhượng nhà đất, bất động sản hai giá, giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế để “né” thuế...
Thực hiện Công văn của Bộ Tài chính về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, ngay trong những ngày đầu năm 2022, nhiều địa phương như Quảng Bình, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước, Lạng Sơn, Kon Tum, Đà Nẵng… đã có các chỉ đạo, yêu cầu ngăn chặn tình trạng này.
ĐỒNG LOẠT VÀO CUỘC NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG VI PHẠM
Sau công văn chỉ đạo của UBND các tỉnh, tại cuộc họp bàn giải pháp về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản do Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây, bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp đã nêu thực trạng một số trường hợp gây thất thu thuế trong lĩnh vực chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản trên thực tế.
Theo đó, ngoài hành vi “ký gửi”, “ký chờ” nhằm trốn thuế khi ký kết các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản, còn xuất hiện tình trạng kê khai giá chuyển nhượng, giá thuê bất động sản trên hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế mua bán, cho thuê. Hủy bỏ hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã công chứng để ký lại hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản cho người khác hoặc cho chính bên mua, nhận chuyển nhượng của hợp đồng trước đó nhằm hợp thức hóa hành vi vi phạm nghĩa vụ về thuế…
Đại diện Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng cho biết, trong năm 2022 sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng nhằm phát hiện các hồ sơ công chứng có dấu hiệu “ký gửi”, “ký chờ”; kê khai giá chuyển nhượng tại hợp đồng công chứng thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng nhằm trốn thuế để chuyển cho Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an thành phố xác minh, điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thành phố, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện; Cục Thuế thành phố, Chi cục Thuế các khu vực, quận; Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an thành phố nghiên cứu, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND thành phố ban hành Quy chế phối hợp liên ngành; đưa ra một số biện pháp phối hợp để ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản...
Cùng với Đà Nẵng, mới đây, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình đã có Công văn yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh khi giải quyết thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, văn bản về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở gắn với đất cần kiểm tra đầy đủ điều kiện pháp lý của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Việc nhận quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật công chứng và văn bản pháp luật khác có liên quan, tránh tình trạng đứng tên nhận quyền sử dụng đất giúp cá nhân, tổ chức khác trái pháp luật.
Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh cần giải thích, hướng dẫn cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp, ý nghĩa và hậu quả pháp lý khi ký kết hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản. Trong đó, lưu ý hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh phải ghi đúng giá thực tế mua bán, chuyển nhượng trong hợp đồng, giao dịch để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách nhà nước. Các trường hợp mua bán, chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế và cá nhân, tổ chức có hành vi liên quan đến việc trốn thuế và thu phí công chứng không đúng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Lạng Sơn, tỉnh này cũng đã có văn bản về vấn đề chống thất thu thuế trong kinh doanh bất động sản. Sở Tư pháp tỉnh đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người yêu cầu công chứng và các bên tham gia hợp đồng giao dịch mua, bán, cho thuê bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật thuế.
Theo Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn, các trường hợp kê khai thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế nhằm giảm số tiền thuế thu nhập cá nhân cho người bán và người mua, giảm số tiền phí công chứng hợp đồng giao dịch là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, bị xử lý theo quy định .
Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ kiểm tra theo kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn theo thẩm quyền, chủ trì, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong hoạt động công chứng.
XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI KINH DOANH, CHUYỂN NHƯỢNG TRỐN THUẾ
Tình trạng mua, bán nhà, đất hai giá (giá bán cao, ghi trong hợp đồng giá thấp) để trốn thuế diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh, thành trên cả nước. Thực trạng này đã làm thất thu tiền thuế, gây nên sự thiếu minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế...
Để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, trước đó Bộ Tài chính đã có Công văn 14257 gửi UBND các địa phương và Tổng cục Thuế. UBND các tỉnh, thành được yêu cầu tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý chặt chẽ thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Công an các địa phương phối hợp với các Cục Thuế điều tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách.
Đối với các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan nhà nước liên quan hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật. Các trường hợp chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Thuế đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự và chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để người dân, doanh nghiệp biết thực hiện. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi trốn thuế.
Đặc biệt, mới đây, Bộ Tài chính có Công văn 438 đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan công an các địa phương phối hợp với các Cục Thuế để điều tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách Nhà nước. Đề nghị Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Tư pháp phối hợp với Cục Thuế địa phương yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định pháp luật, tránh thất thu ngân sách.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng giao Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế địa phương chủ động phối hợp Cơ quan Công an, Sở Tư pháp để đấu tranh xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế trong kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản.