Ngóng tin Fed và Evergrande, chứng khoán Mỹ phục hồi bất thành
Tâm trạng của nhà đầu tư vẫn bấp bênh khi chuẩn bị đón nhận kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào ngày thứ Tư và thông tin về số phận của công ty bất đống sản Trung Quốc Evergrande vào ngày thứ Năm...
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên ngày thứ Ba (22/9) nỗ lực phục hồi sau phiên bán tháo vào ngày thứ Hai, nhưng bất thành khi hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 vẫn đóng cửa trong sắc đỏ.
Tâm trạng của nhà đầu tư vẫn bấp bênh khi chuẩn bị đón nhận kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào ngày thứ Tư và thông tin về số phận của công ty bất đống sản Trung Quốc Evergrande vào ngày thứ Năm.
Giá dầu tăng nhẹ trở lại do tình trạng thắt chặt nguồn cung ở Mỹ sau một cơn bão trên Vịnh Mexico.
Chốt phiên, Dow Jones giảm 0,15%, còn 33.919,84 điểm. S&P 500 giảm 0,1%, còn 4.354,19 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,2%, đạt 14.764,4 điểm, nhờ lực cầu bắt đáy một số cổ phiếu công nghệ lớn như Apple.
Thị trường phục hồi mạnh vào đầu phiên, với Dow Jones có lúc tăng tới 300 điểm. Nhưng thành quả này không duy trì được lâu khi nỗi lo vẫn phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư, khiến Dow Jones mất gần 51 điểm khi kết thúc phiên giao dịch.
Trước phiên Mỹ, các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á đã có một phiên giao dịch tương đối ổn định, cho dù cuộc khủng hoảng thanh khoản ở Evergrande được nhận định có thể gây sóng gió trên thị trường tài chính toàn cầu, thậm chí ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông tăng 0,5%, sau khi giảm hơn 3% trong phiên ngày thứ Hai. Thị trường Nhật Bản giảm mạnh nhất khu vực, với mức giảm 2,2%.
Ngày đầu tuần, S&P 500 sụt 1,7%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong gần 4 tháng rưỡi. Dow Jones lao dốc 1,8% - phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này trong 2 tháng. Nasdaq mất 2,2% điểm số.
Giá cổ phiếu xuống thấp đã thu hút nhà đầu tư khi thị trường mới mở cửa phiên ngày thứ Ba, với S&P 500 có lúc tăng 0,9%. Dù vậy, tâm trạng chung vẫn là thận trọng trước khi Fed đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ và dự báo mới về nền kinh tế Mỹ sau khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư.
Nhà đầu tư cũng chờ xem Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ nói gì trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Fed. Mọi sự chú ý sẽ dồn vào quan điểm của Fed đối với chương trình mua tài sản, với câu hỏi lớn nhất là khi nào Fed sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình này. Tháng trước, ông Powell nói Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản tại một thời điểm nào đó trong năm nay.
Ngày thứ Năm sẽ là thời hạn để Evergrande thanh toán 83 triệu USD tiền lãi trái phiếu, theo S&P Global Raings. Giới phân tích dự báo Evergrande sẽ không thực hiện được đúng hạn nghĩa vụ thanh toán này. S&P cho rằng một vụ vỡ nợ của công ty bất động sản khổng lồ này là hoàn toàn có thể xảy ra.
Một số chuyên gia lo ngại Evergrande sẽ trở thành một sự kiện gây sóng gió như vụ sụp đổ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers cách đây 13 năm. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nói rằng Evergrande “quá lớn để đổ vỡ” và Chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp trước khi mọi việc đi quá xa.
“Chính phủ Trung Quốc nhận thức rõ về những dòng tít báo so sánh Evergrande với Lehman”, nhà phân tích Ed Yardeni của Yardeni Research phát biểu. “Họ hiểu rõ hệ quả của việc để mặc cho công ty này đổ vỡ. Nên họ sẽ can thiệp để tái cơ cấu công ty. Khi họ làm vậy, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ thở phào và tăng mạnh”.
Trong tháng 9 này, S&P 500 đã giảm 3,7%, về mức thấp hơn 4,2% so với mức kỷ lục thiết lập cách đây chưa lâu.
Gây áp lực lên tâm lý của nhà đầu tư ở Phố Wall trong tháng 9 này còn là sự lây lan của biến chủng Delta. Số ca tử vong do Covid ở Mỹ đã vượt đại dịch cúm 1918, đưa Covid trở thành đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nước này.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa phiên ngày thứ Ba với mức tăng 0,44 USD/thùng, tương đương tăng 0,6%, đạt 74,36 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,27 USD/thùng, tương đương tăng gần 0,4%, đạt 70,56 USD/thùng.
Trong phiên ngày thứ Hai, giá dầu Brent giảm 2% và giá dầu WTI giảm 2,3%.
Dầu thô tăng giá do cơn bão Ida hồi cuối tháng 8 để lại ảnh hưởng kéo dài đối với hoạt động khai thác dầu của Mỹ trên Vịnh Mexico, khiến nguồn cung dầu của nước này bị thắt chặt. Ngày 21/9, hãng Royal Dutch Shell nói rằng hậu quả của bão Ida sẽ ảnh hưởng đến sản lượng dầu của hãng trên Vịnh Mexico sang năm 2022.
Theo Dữ liệu từ Cục Chấp pháp về an toàn và môi trường Mỹ (BSEE), khoảng 18% sản lượng dầu và 27% sản lượng khí đốt của Mỹ trên Vịnh Mexico vẫn chưa được khôi phục, dù bão Ida đã đổ bộ cách đây hơn 3 tuần.