Nhiều doanh nghiệp nhà nước lỗ triền miên, âm nặng vốn chủ sở hữu
Theo Bộ Tài chính, năm 2023, có 263/328 doanh nghiệp có vốn nhà nước khối trung ương và địa phương lãi 102,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, có 49 đơn vị thua lỗ, thậm chí lỗ ròng nhiều năm dẫn đến âm nặng vốn chủ sở hữu và lợi nhuận trên vốn...
Báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2023 đối với các doanh nghiệp (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) có vốn nhà nước khối trung ương cho biết có 34/55 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 16 doanh nghiệp không có báo cáo lãi hay lỗ và 5 doanh nghiệp lỗ nặng.
Điểm mặt 5 doanh nghiệp thua lỗ, bao gồm: Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Vetvaco, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV), Công ty cổ phần Dịch vụ truyền hình - Viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom).
LỢI NHUẬN SAU THUẾ CỦA KHỐI NGÂN HÀNG ĐỨNG ĐẦU BẢNG
Cũng theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu năm 2023 là 814,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu có tổng doanh thu lớn như: Ngân hàng Nhà nước đạt 475,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 58,4% tổng doanh thu năm 2023; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt 297,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,6% tổng doanh thu năm 2023.
Một số doanh nghiệp có doanh thu lớn và biến động trong năm 2023 là: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là 188,4 nghìn tỷ đồng (giảm 17% so với năm 2022); Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là 175,9 nghìn tỷ đồng (tăng 27,5% so với năm 2022); Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) là 156,9 nghìn tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2022); Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 133,7 nghìn tỷ đồng (tăng 18,3% so với năm 2022).
Theo Bộ Tài chính, tổng lợi nhuận sau thuế năm 2023 của các doanh nghiệp có vốn nhà nước khối trung ương là 95,7 nghìn tỷ đồng. Một số ngân hàng thương mại cổ phần có lợi nhuận sau thuế lớn và tăng mạnh so với năm 2022 như: Vietcombank, BIDV, VietinBank...
Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 95,7 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu là 74,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 76% tổng lợi nhuận sau thuế năm 2023. Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu là 11,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng lợi nhuận sau thuế năm 2023.
Bộ Tài chính cũng nêu rõ một số ngân hàng thương mại cổ phần có lợi nhuận sau thuế lớn và tăng mạnh so với năm 2022 như: Vietcombank là 32,4 nghìn tỷ đồng (tăng 10,2% so với năm 2022); BIDV là 21,4 nghìn tỷ đồng (tăng 18,9% so với năm 2022); VietinBank là 19,4 nghìn tỷ đồng (tăng 18,3% so với năm 2021).
Với các doanh nghiệp báo lỗ, một số doanh nghiệp có số lỗ lớn trong năm 2023 là: Vietnam Airlines, Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Vetvaco, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV, đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+) lỗ 496 tỷ đồng. Cùng với đó, Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng - CTCP (COMA) vẫn còn lỗ lũy kế 302 tỷ đồng.
Đánh giá về một trong những chỉ số quan trọng nhất đối với các cổ đông là ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu), Vietcombank đứng đầu, với chỉ số ROE đạt 20%. Tiếp sau đó là BIDV với ROE đạt 19,1%; Vietinbank là 16,1%. Đây là chỉ số đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường, được giới đầu tư rất quan tâm.
Bên cạnh nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước kinh doanh khấm khá, không ít doanh nghiệp kinh doanh bết bát nhiều năm ròng, lỗ luỹ kế âm quá vốn chủ sở hữu khiến chỉ số ROE âm, có thể kể đến như: Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng - CTCP.
COMA thuộc Bộ Xây dựng hoạt động trong lĩnh vực chế tạo cơ khí lắp máy. Doanh nghiệp này thua lỗ triền miên từ năm 2014 đến nay. Cuối năm 2023, công ty đang có khoản lỗ lũy kế 302 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 97 tỷ đồng.
Với Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Vetvaco, đây là công ty chủ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyên sản xuất và cung ứng các loại vacxin cho gia súc, gia cầm kinh doanh thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu bị bào mòn, giảm 35% so với năm 2019 khi được giao dịch trên sàn UPCoM.
Cũng theo Bộ Tài chính, số phát sinh phải nộp ngân sách năm 2023 của doanh nghiệp có vốn nhà nước khối trung ương là 52,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp có số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là 13,7 nghìn tỷ đồng, Vietcombank là 10,7 nghìn tỷ đồng; BIDV là 7,3 nghìn tỷ đồng; VietinBank là 7 nghìn tỷ đồng; ACV là 5,35 nghìn tỷ đồng.
CÓ 44 DOANH NGHIỆP KHỐI ĐỊA PHƯƠNG THUA LỖ
Về kết quả giám sát tài chính của khối doanh nghiệp địa phương có vốn nhà nước, Bộ Tài chính cho biết trong số 273 doanh nghiệp có 229 đơn vị kinh doanh có lãi.
Tổng doanh thu của 273 doanh nghiệp là 131,5 nghìn tỷ đồng; tổng lợi nhuận sau thuế là 6,8 nghìn tỷ đồng; số nộp ngân sách là 11,5 nghìn tỷ đồng.
"Tổng số lỗ lũy kế của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các doanh nghiệp có vốn nhà nước tăng 44,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2022".
Bộ Tài chính.
Một số doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế cao: Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp-CTCP lợi nhuận sau thuế là 1.665 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú lợi nhuận sau thuế là 583 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Phát triển khu công nghiệp lợi nhuận sau thuế là 450 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cáp điện và hệ thống LS Vina lợi nhuận sau thuế là 348,5 tỷ đồng. Có 195 doanh nghiệp báo cáo số cổ tức được chia năm 2023 là 1,032 nghìn tỷ đồng.
Đáng quan ngại, số doanh nghiệp địa phương có vốn nhà nước kinh doanh thua lỗ trong năm 2023 lên tới 44 đơn vị, bao gồm: Công ty cổ phần Giống và thức ăn chăn nuôi Cao Bằng, Công ty cổ phần Tổng Công ty Chè Nghệ An, Công ty cổ phần Việt Trung - Quảng Bình, Công ty cổ phần Tài nguyên và môi trường Hậu Giang, Công ty cổ phần Lạc Hồng tỉnh Điện Biên...
Đánh giá chung về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết trong năm 2023, số lượng các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ của khối trung ương có kết quả kinh doanh thua lỗ chưa giảm so với năm 2022, vẫn là 7 doanh nghiệp. Đối với khối địa phương, số lượng doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ tăng 1 doanh nghiệp.