Những chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu trong quy hoạch tổng thể quốc gia
Ngày 9/1/2023, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch Tổng thể Quốc gia với những chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Đây là những mục tiêu quan trọng đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt mới có thể thực hiện được...
Để dễ quan sát, có thể đưa các mục tiêu trên vào 6 nhóm: (i) các mục tiêu liên quan đến GDP, (ii) các mục tiêu liên quan đến các yếu tố tăng trưởng, (iii) các mục tiêu về dân số, lao động, (iv) các mục tiêu về HDI, (v) các mục tiêu về đô thị, (vi) các mục tiêu về đào tạo.
CÁC MỤC TIÊU LIÊN QUAN ĐẾN GDP
Tốc độ tăng GDP bình quân năm thời kỳ 2021-2030 và 2031-2050 thể hiện ở biểu đồ 1.
Theo đó, mục tiêu 2021-2030 đã thể hiện quyết tâm cao, bởi ở mức cao hơn bình quân 2011-2020, trong khi bình quân 2 năm đầu của thời kỳ 2021-2030 đã tăng thấp hơn nên nhiệm vụ trong 8 năm còn lại tăng khá cao. Điều đó đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt mới có thể thực hiện được.
Bình quân thời kỳ 2031-2030 có cận dưới là 6,5%, cận trên là 7,5%. Cận dưới thể hiện sự thận trọng khi xét trong thời gian khá dài. Cận trên thể hiện quyết tâm cao, đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt và thay đổi mô hình tăng trưởng hướng tới bền vững để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn.
GDP bình quân đầu người đến năm 2030 và đến năm 2050 tính bằng USD như sau (biểu đồ 2).
Mục tiêu đến năm 2030 là có tính khả thi, bởi năm 2022 GDP bình quân đầu người đã đạt 4.110 USD/người (mục tiêu năm 2022 là 4.400 USD/người). Theo mục tiêu, tăng trưởng GDP cao, dân số trung bình tăng thấp, tỷ giá VND/USD tăng thấp. Tuy nhiên, mức 7.500 USD/người của Việt Nam đến năm 2030 vẫn còn thấp hơn mức năm 2020 của nhiều nước (thứ 4 Đông Nam Á, thứ 60/119 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh trên thế giới).
Mục tiêu đến năm 2050 ở cận dưới thể hiện tính thận trọng và có tính khả thi, nhưng ở cận trên tuy thể hiện quyết tâm cao, phải có các giải pháp quyết liệt mới có thể thực hiện được.
Tỷ trọng GDP theo các nhóm ngành có một số điểm chú ý (biểu đồ 3). Ngành dịch vụ đã đạt cao nhất trong 3 nhóm ngành, nhưng tỷ trọng năm 2022 giảm so với năm 2010 và hiện đạt mức thấp so với nhiều nước (thứ 7 Đông Nam Á, thứ 35 châu Á, thứ 94/105 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh trên thế giới).
Mục tiêu đến năm 2030 chiếm trên 50%, tức là cao hơn tổng tỷ trọng của 2 nhóm ngành còn lại. Đây là quyết tâm cao, nhưng phải có giải pháp quyết liệt để khắc phục tính kiêm nhiệm, thiếu chuyên nghiệp và tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ động lực (như du lịch, tài chính - ngân hàng, khoa học và công nghệ),…
Ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản có tỷ trọng thấp nhất và có xu hướng giảm nhanh, nên mục tiêu đề ra là tích cực, để khắc phục mức năng suất lao động thấp,…
Ngành nước - xây dựng có tỷ trọng cao lên và năm 2022 đã đạt trên 40%, như mục tiêu đến 2030. Trong thực tế cần giảm tính gia công lắp ráp, tăng tốc công nghiệp chế biến, chế tạo và thực hiện có công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 và hiện đại vào năm 2030.
CÁC MỤC TIÊU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN YẾU TỐ TĂNG TRƯỞNG
Tỷ trọng kinh tế số/GDP vừa có ý nghĩa là cơ cấu GDP, vừa có ý nghĩa là yếu tố của tăng trưởng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc đề ra mục tiêu đến 2030 đạt 30% GDP là rất cao so với mức tính thử nghiệm của một đề tài khoa học của Tổng cục Thống kê (8,3%), do vậy cần sớm có số liệu để đánh giá thực hiện và có giải pháp quyết liệt mới thực hiện được.
Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại cao (trên dưới 5%), nhưng mức nhập siêu lao động còn khá thấp (năm 2022 mới đạt 188,1 triệu đồng, tương đương với 8.083 USD).
Mục tiêu của Tổng quy hoạch Quốc gia là trên 6,5% - cao hơn các năm trước là cần thiết. Nhưng vấn đề quan trọng của việc thực hiện là tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, tăng vai trò của khoa học và công nghệ, giảm tính gia công lắp ráp.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng là nâng cao chất lượng tăng trưởng, trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư (giảm hệ số ICOR), nâng cao nhập siêu lao động, ứng dụng khoa học - công nghiệp, nâng cao tỷ trọng trình độ công nghệ hiện đại của công nghiệp chế biến, chế tạo,…
Đóng góp của TFP theo mục tiêu là trên 50% là rất tích cực, lớn hơn tỷ trọng đóng góp của việc tăng vốn đầu tư và tăng số lượng lao động - là 2 yếu tố số lượng, bị giới hạn về nguồn và dễ gây bất ổn vĩ mô.
CÁC MỤC TIÊU VỀ DÂN SỐ
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (con/phụ nữ) ở mức 2,1. Mục tiêu này có tính khả thi cao, Việt Nam đã đạt mức sinh trên dưới 2,1 con/phụ nữ trong nhiều năm. Theo Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam năm 2010 đã là 2; 2015: 2,1; 2016: 2,09; 2017: 2,04; 2018: 2,05; 2019: 2,09; 2020: 2,12; 2021: 2,11 và năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ.
Tuy nhiên, trong vài ba thập kỷ tới phải “duy trì bền vững” theo 2 nghĩa. Một là, không để mức sinh quá thấp, do cơ cấu dân số vàng qua nhanh, cơ cấu dân số già đến nhanh, để tránh nguy cơ “chưa giàu đã già”, không để thấp dưới 1,7 con/phụ nữ như một số địa phương. Tỷ suất sinh đã giảm còn 14,9‰, trong đó có một số địa bàn xuống dưới 13‰. Tỷ lệ tăng tự nhiên đã giảm còn 7,9‰, trong đó có một số địa bàn chỉ còn dưới 5‰. Tuổi kết hôn đã nâng lên liên tục và hiện ở mức cao,… Hai là, không để mức sinh cao, mà phải giảm đối với một số địa bàn có tổng tỷ suất sinh cao (2,5 con/phụ nữ),…
Quy mô dân số ở mức 105 triệu người thể hiện quyết tâm cao với việc kiềm chế tốc độ tăng dân số, trái ngược với mục tiêu mức sinh thay thế. Dân số năm 2022 là 99.461,5 nghìn người; nếu đến năm 2030 mục tiêu là 105 triệu người, thì bình quân 1 năm chỉ tăng 0,68%, thấp rất xa so với các năm trước, thấp hơn dự báo của tác giả bài viết là đến năm 2030 đạt 107,3 triệu người. Mục tiêu này là quá cao khi trong nhiều năm qua tỷ lệ tăng dân số cao hơn tỷ lệ tăng tự nhiên, trong khi đó, tỷ lệ chết trẻ em giảm, tuổi thọ tăng, số lao động đi xuất khẩu sẽ ít dần đi khi GDP bình quân đầu người tăng như mục tiêu, tỷ lệ sinh khó giảm liên tục và lớn như thời gian qua,…
Tỷ trọng lao động nông nghiệp thấp hơn 20% vừa thể hiện quyết tâm, vừa có tính khả thi. “Quyết tâm” để thực hiện các mục tiêu nâng cao mức năng suất lao động, chuyển nước nông nghiệp thành nước công nghiệp, bằng các giải pháp chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành, đưa mạnh vốn về nông thôn lập cơ sở sản xuất, dịch vụ,… Tính khả thi thể hiện ở tỷ lệ này đã giảm nhanh từ 43,6% năm 2015 xuống còn 27,5% năm 2022 - tức là giảm tới 16,1% trong vòng 7 năm, còn 8 năm tới chỉ giảm trên 7,5%.
CÁC MỤC TIÊU VỀ HDI
Chỉ số phát triển con người (HDI) theo mục tiêu được duy trì ở mức trên 0,7. Mục tiêu này có tính khả thi, bởi từ năm 2019, Giá trị HDI của Việt Nam (là 0,703) đã ở mức trên 0,7, năm 2020 là 0,706 và năm 2021 là 0,726. HDI là chỉ tiêu tổng hợp của tổng hợp cả về kinh tế, xã hội. Các yếu tố thành phần đã có sự cải thiện.
Yếu tố thu nhập (GNI) bình quân đầu người đã liên tục tăng lên (biểu đồ 4).
Số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng đã tăng khá qua các năm (biểu đồ 5).
Tuổi thọ bình quân theo mục tiêu của Quy hoạch Tổng thể quốc gia là 75. Thực tế những năm qua, tuổi thọ bình quân của Việt Nam thuộc loại cao và liên tục tăng lên trong thời kỳ 2005-2020. Tuổi thọ bình quân năm 2005 chỉ đạt 72,2 tuổi thì tới năm 2010 đã đạt 72,9 và đạt cao nhất 73,7 tuổi vào năm 2020. Năm 2021 và 2022, tuổi thọ bình quân có giảm chút ít và đều đạt mức 73,6 tuổi.
Tỷ lệ này so với mức tối đa (85) đạt mức cao nhất so với các yếu tố khác. Đây là kết quả của công tác y tế (số cơ sở y tế, số giường bệnh, số bác sĩ, ngoài công lập), thể dục - thể thao, sự tăng lên của mức sống,…
CÁC MỤC TIÊU VỀ ĐÔ THỊ
Về tỷ lệ đô thị hóa, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 đạt >50%, đến năm 2050 đạt 70-75%. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ này của Việt Nam đã tăng tương đối nhanh trong những năm qua, nếu năm 2005 chỉ đạt 27,1% thì tới năm 2010 đã đạt 30,39%; 2012: 33,48%; 2020: 36,76%; 2021: 37,13% và 2022 đạt 38,29%.
Tuy nhiên, Việt Nam còn đứng thứ hạng thấp (thứ 7 Đông Nam Á, thứ 34 châu Á, thứ 109/123 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh), thấp xa so với mức 56,2% của thế giới; ngay cả việc thực hiện được mục tiêu của Quy hoạch Tổng thể Quốc gia đến 2030 cũng còn thấp hơn tỷ lệ của thế giới năm 2020.
Để thực hiện quyết tâm khá cao này, cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, như: chuyển dịch cơ cấu theo ngành, khuyến khích đưa vốn về nông thôn lập doanh nghiệp, hình thành mới, mở rộng các thành phố, thị xã, quận, phường, thị trấn, nâng cao chất lượng sống đô thị,…
Về số đô thị ngang tầm khu vực và thế giới, mục tiêu đặt ra là 3-5. Việt Nam hiện có 5 thành phố và khả năng sẽ có khoảng 8 thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó TP. Hồ Chí Minh được tôn vinh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình”, Đà Nẵng là “Thành phố đáng sống”. Đây là những tiền đề, song cần có tiêu chí cụ thể và cần được thống kê để đánh giá thực hiện, đồng thời cần lưu ý không phải chỉ là quy mô kinh tế, nhất là sản xuất hàng hóa vật chất, mà phải là dịch vụ, trung tâm tài chính, khoa học - công nghệ,…
Về chỉ tiêu Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người ở đô thị đạt 32m2, thực tế chỉ tiêu này đã tăng liên tục qua các năm, cụ thể: năm 2010 đạt 20,7m2; 2014: 24; 2016: 24,7; 2018: 26,2 và 2020 đạt 26,6m2. Với nhịp độ này và xu hướng tách hộ của các gia đình “tứ đại”, “tam đại” đồng đường, cùng với xu hướng thu nhập gia tăng theo tốc độ tăng trưởng và với việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở,… thì mục tiêu 32m2 là có tính khả thi. Song, với tỷ lệ đô thị hóa >50% đến năm 2030 và 70-75% đến năm 2050,… thì sẽ khó đạt nếu không có giải pháp quyết liệt.
Diện tích cây xanh bình quân đầu người ở đô thị đạt 8-10m2 là mục tiêu rất có ý nghĩa, nhưng Bộ Xây dựng và Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành có liên quan chưa công bố thông tin thực tế để đánh giá, kiểm tra thực hiện; trong khi đó, các công viên xuống cấp, chung cư mọc lên san sát.
Tỷ lệ đất giao thông/đất xây dựng đô thị đạt 16-26% là mục tiêu rất quan trọng không những khắc phục ùn tắc hiện nay mà cả trong tương lai, khi xe ôtô cá nhân tăng lên, “ngầm hóa” giao thông còn “mịt mờ”,… Các bộ, ngành có trách nhiệm cần thu thập, tổng hợp và công bố thông tin để kiểm tra, giám sát thực hiện.
MỘT SỐ MỤC TIÊU VỀ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
Tỷ lệ sinh viên đại học/1 vạn dân đạt 260 tuy thể hiện quyết tâm cao để xây dựng kinh tế tri thức, phát triển khoa học và công nghệ, nhưng để mục tiêu có tính khả thi cần phải có giải pháp quyết liệt, bởi một số lý do.
Một là, thực tế tỷ lệ này còn rất thấp, nếu năm 2015 đạt 190 sinh viên đại học/1 vạn dân, thì năm 2018 đã giảm xuống còn 160, sau đó có tăng lên mức 173,4 năm 2019 và năm 2020 là 195,3 sinh viên. Theo đó, mục tiêu 200 sinh viên/vạn dân đề ra cách đây 2 thập kỷ cũng chưa đạt được.
Hai là, với dân số theo mục tiêu đến năm 2030 là 105 triệu người, thì để thực hiện mục tiêu này phải đạt 2,7 triệu sinh viên, tăng 800 nghìn so với năm 2020. Với bình quân sinh viên 1 trường hiện nay là 7.876 người, thì hoặc phải tăng sĩ số lên 11 nghìn, hoặc phải tăng thêm trên 100 trường. Nếu dân số đến năm 2030 là trên 107 triệu người (theo ước tính của tác giả bài viết), thì các con số trên phải lớn hơn nữa.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%, mục tiêu này là cần thiết về nhiều mặt. Tuy vậy, để bảo đảm tính khả thi, cần phải có giải pháp quyết liệt, bởi thực tế tỷ lệ này còn thấp (biểu đồ 6).
Năm 2022 so với năm 2010, tỷ lệ này tăng 11,6 điểm phần trăm, hay tăng 0,97 điểm phần trăm/năm. Với nhịp độ này, 8 năm nữa mới tăng 7,7 điểm phần trăm, hay đạt 33,9% vào năm 2030 - thấp hơn mục tiêu đề ra.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2023 phát hành ngày 06-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam