Phát triển hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp
“Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine”, là chủ đề của hội thảo do Ủy ban nhân dân TP.HCM tổ chức phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cùng liên danh tư vấn AVSE Global và Viện Quy hoạch vùng Paris IPR, diễn ra tại trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố vào cuối tuần qua...
Hội thảo nhằm đánh giá kết quả nghiên cứu chiến lược phát triển hành lang sông Sài Gòn của liên danh tư vấn AVSE Global, Viện Quy hoạch vùng Paris IPR và tư vấn Pháp cùng các chuyên gia, đối tác, đơn vị quản lý; thảo luận, góp ý giữa các nhóm danh tư vấn quy hoạch chung TP.HCM.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của hành lang sông Sài Gòn trong quy hoạch chung của Thành phố. Ông cho biết TP.HCM đang khẩn trương thực hiện 3 quy hoạch, gồm quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung đến 2040, tầm nhìn 2060 và xây dựng quy hoạch chung TP. Thủ Đức cùng thời kỳ với quy hoạch chung TP.HCM. Đây là 3 quy hoạch rất quan trọng cho sự phát triển của TP.HCM trong thời gian tới.
Theo ông Phan Văn Mãi, để lắng nghe ý kiến, góp ý, phản biện, hoàn thiện dự thảo quy hoạch, TP.HCM phối hợp với hai tổ chức IPR và AVSE Global nghiên cứu sâu sông Sài Gòn, xác định việc quy hoạch sông Sài Gòn là trung tâm trong rà soát quy hoạch chung của Thành phố, là việc làm cần thiết và kịp thời.
Hội thảo cũng đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn từ các dự án dọc sông Seine đã triển khai, thuận lợi và hạn chế, nhằm nhận diện thách thức và cơ hội cho TP.HCM; đề xuất được cơ chế thực hiện và lập quy hoạch chỉnh trang, phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine phù hợp điều kiện thực tế và đề có thể hoàn thành cơ bản vào năm 2025.
Bà Nguyễn Thu Trà, Giám đốc dự án Quy hoạch chiến lược phát triển hành lang sông Sài Gòn thuộc AVSE Global và đại diện cho liên danh AVSE Global-Paris IPR nhấn mạnh rằng sông Sài Gòn có một sứ mệnh cao cả, là dòng chảy tạo cơ hội chuyển mình của TP.HCM.
Theo vị đại diện liên danh tư vấn này, hành lang sông Sài Gòn với 5 đặc trưng độc đáo chính là xương sống tinh thần và thiên nhiên của TP.HCM. Đó là những đặc trưng về giá trị lịch sử đặc biệt đối với Việt Nam, với biểu tượng Bến cảng Nhà Rồng là nơi Chủ tịch Hồ Chủ tịch ra đi tìm đường cứu nước; là bản sắc sông nước gắn kết tình cảm vùng Nam Bộ; là đường ranh giới vật lý kết nối các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương; là tài sản độc đáo với hệ sinh thái đa dạng sinh học đẳng cấp thế giới; đồng thời cũng là thách thức lũ lụt khiến TP.HCM nằm trong số những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Qua các tham luận cùng góp ý, phản biện từ các chuyên gia, nhà khoa học, Thành phố cũng đánh giá, xem xét nội dung tích hợp các chuyên đề về quy hoạch dọc hành lang sông Sài Gòn vào đồ án Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; làm rõ hơn trục phát triển sông Sài Gòn, gắn kết với hệ thống không gian mở đa chức năng; tích hợp và làm rõ các chiến lược phát triển ngành và hạ tầng xanh. Đồng thời lồng ghép nội dung, vận dụng vào quá trình quản lý thực tế của các sở, ngành cùng các địa phương triển khai các chiến lược, chương trình kế hoạch… quản lý phát triển các ngành lĩnh vực và địa bàn dọc sông Sài Gòn (gồm du lịch, giao thông vận tải, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, văn hoá giải trí và kinh tế đêm, các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp,…) trên các địa bàn dọc hành lang sông theo hướng tích hợp, có phân kỳ, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và hình thành các hệ sinh thái kinh tế dịch vụ dọc theo hành lang sông.
Một số góp ý được các chuyên gia đề xuất, như phát triển hành lang sông Sài Gòn với 4 phân khu. Cụ thể: Phân khu bắc kết nối bản sắc, lộ trình đi qua huyện Củ Chi, Bến Cát (Bình Dương) từ thị xã Thủ Dầu Một đến ranh giới TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Một phân khu từ đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một với “giao diện” trù phú bao trùm. Phân khu Thanh Đa trải nghiệm hạnh phúc, gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận. Phân khu trung tâm cánh cửa tương lai, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến cầu quốc lộ 52.
Bà Nguyễn Thu Trà nhấn mạnh rằng quy hoạch và phát triển sông Sài Gòn thực sự phải là điểm nhấn, là xương sống trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, nhằm đạt được tầm nhìn phát triển của thành phố.
Trước đó, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tháng 3/2024 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Thành phố sẽ cùng đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch gửi xin ý kiến các bộ, ngành; đến cuối tháng 3/2024 trình Hội đồng thẩm định xem xét, cho ý kiến. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng ý với lộ trình đề ra của TP.HCM và thông tin thêm: Hội đồng thẩm định dự kiến sẽ họp trong tháng 4/2024. Trên cơ sở ý kiến đánh giá, góp ý của hội đồng, TP.HCM sẽ hoàn thiện và trình lại để Hội đồng thẩm định tiếp tục họp vào tháng 5/2024, trước khi hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/6/2024.