Quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM: Cần phát triển không gian sống tốt hơn cho người dân
Kiến trúc đô thị cần hướng tới mục tiêu chính là có định hướng phát triển không gian, giải quyết môi trường sống của người dân tốt hơn…
Tại hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM (dự thảo), do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM tổ chức ngày 2/12, Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Nghệ thuật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM, cho rằng bên cạnh những khu dân cư hiện hữu có quy hoạch, tại thành phố vẫn tồn tại những khu dân cư phát triển tự phát. Dự thảo cần hướng tới mục tiêu chính là phải có định hướng phát triển không gian, giải quyết môi trường sống của người dân tốt hơn.
“Cần khuyến khích hợp khối, nhưng phải theo quy định nhà cao tầng, kiến trúc một thể thống nhất; tạo khoảng trống chung quanh sẽ được cộng thêm hồ sơ sử dụng đất và chiều cao. Cần quy định không cho phép xây dựng ban công đối với các ngôi nhà đối diện tại các hẻm hẹp dưới 3m, vì sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân; quy định ngã ba, ngã tư đường cần có đèn tín hiệu và âm thanh cho người khuyết tật…”, ông Mười đề nghị.
Kiến nghị cơ quan soạn thảo quy chế cần nghiên cứu xác định tên gọi quy chế cho chính xác, đồng bộ với quy định chung của Luật Kiến trúc, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng cần nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng áp dụng của quy chế; bổ sung nội dung định hướng về phòng, chống thiên tai; thích ứng biến đổi khí hậu; quy định lấy ý kiến bằng văn bản của các kỹ sư xây dựng trong các công trình có quy mô lớn...
“Quá trình rà soát thực hiện rất quan trọng, cần xác định rõ trách nhiệm của Sở quy hoạch Kiến trúc là phải rà soát, đánh giá việc thực hiện quy chế này theo định kỳ 05 năm hoặc có thể đột xuất khi UBND TP.HCM có yêu cầu, và Sở quy hoạch Kiến trúc phải có đánh giá sau 01 năm như thế nào. Quy định càng rõ ràng sẽ càng bớt đi cái thủ tục hành chính, phải công khai, minh bạch để người dân được đơn giản hóa thủ tục hành chính, biết rõ và thực hiện cho tốt”, luật sư Trương Thị Hòa nói.
Theo Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM), toàn thành phố có khoảng 1.300 biệt thự kiến trúc cổ, rất nhiều trong số này thuộc sở hữu tư nhân. Gần đây, tình trạng chủ sở hữu tự ý tháo dỡ biệt thự cổ diễn (quận Bình Thạnh), hay tự cải tạo làm nhà hàng, văn phòng công ty (quận 3) đã làm mất đi không ít công trình kiến trúc cổ mang những giá trị di sản về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật…
Theo ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, dự thảo chưa quan tâm đến phần quy hoạch hầm để xe tại các khu chung cư, mà chỉ dừng lại ở quy hoạch hầm để xe tại các trung tâm thương mại. Việc bố trí các mảng xanh theo đầu người của dự thảo đã hợp lý chưa, vì so với thực tế quy định này không khả thi…
Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM, cho biết Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP.HCM được triển khai thực hiện năm 2014, qua thời gian thực hiện đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập.
Việc ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM rất cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.
“Tuy nhiên, quản lý kiến trúc đô thị, các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên địa bàn, giúp tiếp nối phát triển để TP.HCM là một đô thị mang tầm khu vực và quốc tế”, bà Hương nói.
Dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM có 04 chương và 17 điều
Dự thảo quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quản lý kiến trúc đô thị của thành phố, như: Quản lý kiến trúc đô thị, các công trình xây dựng theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên phạm vi lập quy chế.
Đối với đô thị phải tuân thủ định hướng phát triển không gian đô thị trong đồ án quy hoạch chung được duyệt; xây dựng hình ảnh kiến trúc đô thị hiện đại, năng động kết hợp với việc gìn giữ, kế thừa các hình thức kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử của thành phố qua các giai đoạn hình thành và phát triển; phù hợp với các khu chức năng và sử dụng đất; điều kiện địa chất công trình và địa chất thủy văn.
Định hình các điểm nhấn kiến trúc cảnh quan tại các vị trí đặc biệt dựa trên các yếu tố, như: cửa ngõ đô thị, các khu vực quan trọng về văn hóa lịch sử, chính trị; tính kinh tế, hiệu quả về dụng đất, các điều kiện tự nhiên như địa chất, dòng chảy, quan điểm phát triển…
Ngoài ra, bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa, kêu gọi đầu tư và trợ giúp các hoạt động nghiên cứu, giám sát nguồn lợi và phát triển kinh tế, xã hội, du lịch sinh thái, giáo dục và đào tạo, bảo đảm phát triển bền vững.