Quảng Ninh cần hơn 1 tỷ m3 vật liệu san lấp
Thiếu vật liệu san lấp nền, móng công trình là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các dự án lớn tại Quảng Ninh. Địa phương này đang tìm nhiều giải pháp để cung cấp đủ hàng tỷ m3 vật liệu san lấp…
Theo Sở Xây dựng Quảng Ninh, hiện nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp của Quảng Ninh giai đoạn từ nay đến năm 2025 cần khoảng 566 triệu m3, từ năm 2026 đến 2030 cần thêm gần 490 triệu m3.
Quảng Ninh cũng cần hơn 38,5 triệu m3 cát chuyên dụng, phục vụ san lấp mặt bằng các dự án lớn sử dụng vốn đầu tư công từ nay đến năm 2030.
Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có 79 mỏ đất đồi được Chính Phủ phê duyệt làm vật liệu san lấp, với diện tích khai thác 1.087 ha, tổng trữ lượng khoảng 250 triệu m3.
Trong đó, có 24 mỏ đất đã và đang được các đơn vị liên quan làm các thủ tục cấp phép khai thác, 55 mỏ còn lại đang chuẩn bị triển khai các thủ tục. Trung bình mỗi năm, những mỏ này đáp ứng được khoảng 30 triệu m3 nhu cầu vật liệu san lấp của Quảng Ninh.
Tuy nhiên, theo tính toán, số lượng 79 mỏ đất hiện đã được quy hoạch khai thác, để san lấp mặt bằng phát triển hạ tầng trên địa bàn Quảng Ninh mới chỉ đáp ứng được khoảng 25 - 30% tổng nhu cầu toàn tỉnh.
Trước thực tế nêu trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện rà soát, tổng hợp và đề xuất các nguồn vật liệu có thể làm vật liệu san lấp mặt bằng.
Theo khảo sát của Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ninh, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 4 loại vật liệu có thể khai thác, sử dụng cho san lấp mặt bằng, đó là: Đất đá thải từ khai thác mỏ, cát và tro xỉ nhiệt điện, đất đồi.
Trong đó, đất, đá thải từ khai thác mỏ từ quá trình khai thác than mỗi năm đạt khoảng 150 triệu m3. Hiện tổng trữ lượng chất thải này tại Quảng Ninh đã vượt lên hơn 1 tỷ m3, cùng với đó là nhu cầu cần tới hàng nghìn ha mặt bằng để chứa số đất, đá thải khổng lồ này.
Nhiều bãi thải hiện đã cao hàng trăm mét và tiếp tục cao thêm cùng quá trình khai thác than. Nguồn đất, đá thải này gây áp lực nặng nề tới môi trường, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, cùng với phí duy trì, đảm bảo an toàn hàng năm rất lớn.
Do đó, thu hồi đất, đá thải mỏ làm nguyên liệu san lấp, phục vụ các công trình dân dụng và công nghiệp đang được các chuyên gia đánh giá là một trong những hướng đi bền vững, hài hòa với môi trường của Quảng Ninh.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho Quảng Ninh khai thác đối với 4 vị trí khai thác đất, đá thải mỏ, với khối lượng 12,4 triệu m3; cát san lấp có 7 mỏ, tổng trữ lượng hơn 48 triệu m3; tro xỉ thải của 7 nhà máy nhiệt điện, với trữ lượng khoảng 35 triệu m3.
UBND tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ mỏ hoàn thiện các thủ tục cần thiết theo quy định hiện hành, tiến hành khai thác phục vụ san lấp trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã tham mưu, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đang triển khai giải quyết 6 phương án thu hồi đất, đá thải từ khai thác mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng, với tổng trữ lượng đất đá khoảng 35 triệu m3.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương liên quan tích cực giải quyết các thủ tục để trình UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét cấp phép cho 20 mỏ đất với trữ lượng khoảng 95 triệu m3. Trong đó, dự kiến có khoảng 10 mỏ sẽ hoàn thành các thủ tục để được cấp phép trong năm 2024.
Cùng với các mỏ được cấp phép, các đơn vị liên quan của Quảng Ninh sẽ nghiên cứu, phê duyệt, đưa vào hoạt động một số nhà máy sản xuất vật liệu gia cố nền móng từ nguồn vật liệu tại chỗ thuộc các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều để tăng nguồn vật liệu cung cấp cho các công trình.