Sắp khai thác metro số 1, TP.HCM khởi động các tuyến metro tiếp theo
Khi dự án metro số 1 đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị cho khai thác thương mại cũng là lúc ngành giao thông TP.HCM đang khởi động hàng loạt các dự án metro khác, trong đó có các tuyến số 2, số 5 và số 3a…
Dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên hiện hoàn thành trên 95% tổng khối lượng, trong đó có gói thầu đã đạt trên 98%, được lên kế hoạch đưa vào khai thác thương mại vào tháng 7/2024, sau 17 năm triển khai.
Hệ thống metro tại TP.HCM gồm tất cả 8 tuyến. Đó là: Tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương, tuyến số 3a Bến Thành – Tân Kiên, tuyến 3b Lăng Cha Cả - Hiệp Bình Phước, tuyến số 4 Thanh Xuân – Hiệp Phước, tuyến số 4b công viên Gia Định – Lăng Cha Cả, tuyến số 5 bến xe Cần Giuộc – cầu Sài Gòn, tuyến số 6 Bà Quẹo – Phú Lâm.
Trong 8 tuyến này, tuyến số 1 sắp hoàn thành và khai thác thương mại; tuyến số 2 vừa khởi công gói thầu đầu tiên di dời hạ tầng kỹ thuật (vào cuối tháng 6/2023 vừa qua); tuyến 3a và tuyến số 5 đang trong giai đoạn chờ phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, huy động vốn,… Các tuyến còn lại chưa khởi động.
Đối với tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên, theo nhận định của Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), chủ đầu tư, tuyến có vai trò rất quan trọng, là tuyến bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn từ trung tâm thành phố đến cửa ngõ đông bắc của thành phố. Khi đưa vào khai thác, ngoài việc phục vụ cho sự phát triển chung của thành phố về phía đông, dự án còn kết nối với Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP),các khu dân cư, đô thị mới và Đại học quốc gia TP.HCM.
Tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương đang triển khai gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị chính thức khởi công vào năm 2025, dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Thời điểm này, Thành phố cũng sẽ xúc tiến các tuyến số 5 Bà Quẹo – Phú Lâm giai đoạn 1 nối Tân Phú đi công viên Phú Lâm, quận 6 (tuyến xuyên bắc nam) và tuyến số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành – Thủ Thiêm). Thành phố cũng sẽ xúc tiến triển khai từ 1 đến 2 tuyến khác còn lại trong hệ thống metro TP.HCM.
Dự án metro số 2 cũng là dự án đi tiên phong trong ứng dụng mô hình TOD (Transit Oriented Development - Mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) trong tập trung vốn giao thông, chỉnh trang đô thị, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai. TP.HCM sẽ triển khai mô hình TOD trong quá trình triển khai các dự án metro khác về sau, bao gồm cả tuyến Vành đai 3 TP.HCM.
Trước đó, tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại TP.HCM, hôm 18/7/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị TP.HCM cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép vay một khoản đủ lớn, ước khoảng 20 tỷ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị (metro) theo quy hoạch; đồng thời cần mạnh dạn đề xuất cách làm mới, huy động vốn vay…
Khi đề cập đến hệ thống metro TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu bài học kinh nghiệm về dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, một trong 8 tuyến metro của TP.HCM, được xây dựng đến nay đã 17 năm (khởi công năm 2008 – NV) và vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương vừa mới khởi công gói thầu đầu tiên sau gần 13 năm giải phóng mặt bằng, đến nay được khoảng 87% diện tích mặt bằng. “Với tốc độ như vầy phải 100 năm nữa chúng ta mới có thể hoàn thành tuyến đường sắt đô thị. Và nếu với cách làm này, chúng ta cũng không phát huy được thế mạnh của đường sắt”, ông nêu bài học.
Theo Quyết định 568/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, TP.HCM sẽ có 8 tuyến metro xuyên tâm và các tuyến vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống metro TP.HCM khoảng 220 km.
Trong dự thảo báo cáo dự án đầu tư xây dựng mạng lưới metro TP.HCM theo mô hình TOD (Dự án TOD), Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển TP.HCM (PDI) cho biết, tổng mức đầu tư xây dựng 500 km của toàn thành phố sẽ vào khoảng 22,5 tỷ USD với chừng 45 triệu USD cho mỗi km chiều dài và không dùng nguồn vốn ODA.
PDI cho rằng, có thể dùng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất từ dự án để tạo nguồn thu, không sử dụng nguồn vốn vay ODA.