Siết mà thông - bài toán khó cho Hà Nội
Tối ngày 8-8-2021, Hà Nội đã hỏa tốc ra văn bản nhằm mục đích siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tránh tình trạng người đi ra đường không cần thiết. Đây là một việc làm rất cần thiết, tuy nhiên cách làm lại gây ra nhiều phiền hà và tốn kém không cần thiết cho các doanh nghiệp.
Theo UBND TP Hà Nội, Hà Nội vừa trải qua hai tuần giãn cách và trong thời gian này việc kiểm tra, kiểm soát giãn cách theo Chỉ thị 16 đã bộc lộ một số sơ hở có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.
UBND TP Hà Nội đã chỉ rõ ba sai phạm cơ bản.
Thứ nhất, về phía các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đóng trên địa bàn, trong khi nhiều đơn vị làm tốt việc cấp giấy đi đường thì một số đơn vị lại cung cấp giấy đi đường cho một số người không đúng đối tượng.
Thứ hai, vẫn còn một số người lạm dụng việc sử dụng giấy đi đường cho những việc khác, không hoàn toàn đúng mục đích ghi trong giấy đi đường.
Thứ ba, về phía Hà Nội, các chốt kiểm tra đã không thực hiện đúng chức trách, phận sự của mình còn lơ là tạo kẽ hở cho người dân vi phạm.
Với ba sai phạm như trên, UBND TP Hà Nội nhận định, đây là những lỗ hổng làm cho tình trạng đông người đi lại trên đường. Điều này khiến cho việc thực hiện Chỉ thị 16 không nghiêm túc, là điều kiện cho dịch bệnh lây lan khó kiểm soát.
Để xử lý các sai phạm trên, UBND TP Hà Nội đã siết chặt bằng cách, ngoài việc kiểm tra Giấy đi đường theo mẫu đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29-7-2021 của UBND TP thì người đi đường phải xuất trình căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn Thành phố cũng phải phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo)…Điều này có nghĩa là các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường nào thì phải đến UBND phường đó để xác nhận.
Vậy việc cơ quan tham mưu của UBND TP Hà Nội đưa ra giải pháp trên đã tính đến việc trực tiếp gây khó khăn, tốn kém thêm chi phí cho số đông các cơ quan, doanh nghiệp đã làm tốt việc cung cấp giấy đi đường, đúng người, đúng đối tượng chưa? Tại sao lãnh đạo của một vài cơ quan, tổ chức làm sai lại gây ảnh hưởng đến số đông những người thực hiện tốt? Hay kể cả một số người nào đó đã lạm dụng giấy đi đường để thực hiện mục đích riêng cũng vậy.
Trong những hoàn cảnh như thế này thì việc ứng dụng công nghệ trong kiểm tra giám sát sẽ có lợi hơn, tại sao Hà Nội không đi theo hướng này? Mặt khác, tại sao việc siết chặt không tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát tại các chốt. Từ đó, phát hiện cơ quan, cá nhân nào vi phạm Chỉ thị 16 để buộc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Sự linh hoạt và sáng tạo trong những trường hợp cụ thể cần được phát huy để “siết” và lôi ra cho đúng những người, những cơ quan tổ chức làm sai và xử lý theo pháp luật.
Trước mắt, chưa kịp đưa ứng dụng công nghệ vào thì việc tăng những thủ tục hành chính (thêm các loại giấy tờ, thêm thời gian xác nhận tại các UBND phường) chắc chắn không phải là cách làm hay.