Thách thức hấp thụ hơn 700 nghìn tỷ vốn đầu tư công trong năm 2023
Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025). Nếu không có giải pháp căn cơ ngay từ bây giờ, sẽ rất khó để số vốn trên được hấp thụ hết...
Năm 2023 cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công các năm qua rất bấp bênh. Đây không phải là vấn đề mới mà đã bàn nhiều, nói nhiều nhưng chưa giải quyết được căn cơ.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng dẫn chứng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp qua các năm: Năm 2017, đầu tư công giải ngân đạt 73%, năm 2018 tỷ lệ này giảm xuống 66%, năm 2019 là 67%, năm 2020 là 82%, năm 2021 là 72%, 11 tháng năm 2022 mới đạt trên 53,8%.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, các bộ, ngành, địa phương có báo cáo Chính phủ, trong đó nêu 25 - 30 khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, chia ra 3 nhóm lĩnh vực.
Nhóm thứ nhất là thể chế, pháp luật chính sách thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng...
Nhóm thứ hai là tổ chức thực thi, cùng hệ thống pháp luật như nhau, nhưng có tỉnh rất tốt, có bộ, ngành, địa phương còn kém. Chẳng hạn như: Thanh tra Chính phủ có tỷ lệ giải ngân đạt 100%, Tiền Giang đạt 82%... trong khi đó có 12 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp (hơn 30%). Thực tế này cho thấy, quá trình tổ chức thực thi của các cơ quan cũng là một trở ngại, cần sự quyết tâm vào cuộc trong việc quyết liệt triển khai đầu tư công.
Nhóm thứ ba là các yếu tố khách quan, đặc thù trong năm 2022 xuất hiện ngoài dự báo như giá nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao...
Đưa ra giải pháp tổng thể chung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định...
Bên cạnh đó, các chuyên gia đề xuất Chính phủ nhanh chóng chỉ đạo bộ/ngành liên quan nhanh chóng rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý 1/2023 cho kịp triển khai các dự án hiện nay. Bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng cho các gói hạ tầng.
Cần xây dựng quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh, điều chỉnh các gói thầu song song với việc tập trung cải thiện chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán của các gói thầu.
Cùng đó, nghiên cứu ban hành cơ chế tổng thầu, cơ chế liên danh, cơ chế xét thầu phù hợp cho các gói thầu xây dựng hạ tầng lớn để tập hợp được sức mạnh của các nhà thầu Việt Nam.