Thanh Hóa tìm nhiều giải pháp để đẩy nhanh quá trình vận hành chính quyền số
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyển đổi số hiện nay không còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai. Đây là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0...
Mới đây (tháng 8/2002), Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số DTI cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh năm 2021.
Theo đó, Thanh Hóa xếp thứ 12/63, tăng 3 bậc so với năm 2020. Về chính quyền số, Thanh Hóa xếp thứ 12, kinh tế số xếp thứ 22, xã hội số xếp thứ 12. Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đánh giá, kết quả bước đầu về công tác chuyển đổi số ở Thanh Hóa thể hiện quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp là yếu tố đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, chuyển đổi số hiện nay không còn là một ý tưởng hay tầm nhìn trong tương lai. Đây là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0.
Thanh Hóa đang từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số: chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; đổi mới phương thức chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử; thúc đẩy chuyển đổi xã hội số, trọng tâm là đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch các hoạt động; phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực được đẩy mạnh như: Ngân hàng, thuế, hải quan, y tế, giáo dục…; người dân đã dần dần thay đổi thói quen từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán trực tuyến; từ mua bán theo phương thức truyền thống sang mua, bán, giao dịch qua môi trường mạng…
Tuy nhiên, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn là một khái niệm mới, nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức chưa hiểu sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác chuyển đổi số; công tác chuyển đổi số tại các đơn vị, ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được quan tâm đúng mực; chưa quyết liệt chỉ đạo, điều hành; chưa tích cực, chủ động, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong phát biểu khai mạc chuỗi sự kiện “Thúc đẩy chuyển đổi số” ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định, với tinh thần “Chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn”; chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải được triển khai hiệu quả, thiết thực và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Thanh Hóa cho rằng, để chuyển đổi số thành công, cần có sự chủ động, triển khai tích cực của các các cấp, các ngành, các lĩnh vực, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự hưởng ứng của người dân.
Chuyển đổi số có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, địa phương phải lấy người dân, doanh nghiêp là trung tâm phục vụ; sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động.
Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; sự tương tác giữa người dân với chính quyền được thuận lợi hơn; phục vụ người dân doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ quan điểm, chỉ lãnh đạo cao nhất của địa phương vào cuộc mới thực hiện được chuyển đổi số vì chuyển đổi số là hoạt động mang tính tổng thể toàn diện, có kế hoạch, lộ trình...
Bên cạnh đó, bản thân các cán bộ cơ quan, Nhà nước phải thực sự có ý thức trong việc cung cấp dịch vụ công trên nền tảng trực tuyến, đồng thời cần có những giải pháp để khuyến khích người dân sử dụng nền tảng số thông qua các hoạt động dịch vụ công.