Thu mua thông tin cá nhân bất hợp pháp, bán cho người nước ngoài để đổi lấy Bitcoin
Mỗi người khi cung cấp thông tin cá nhân phải cầm trên tay giơ trước ngực 01 tờ giấy trắng khổ A4 để chụp ảnh chân dung, sau đó đối tượng yêu cầu người dân đưa thẻ Căn cước công dân của họ để chụp ảnh.
Qua công tác điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình vừa triệu tập, làm rõ hành vi “Mua bán dữ liệu thông tin cá nhân” đối với các đối tượng Hoàng Ngọc Giáp, Trần Văn Tình, Nguyễn Thị Ngọc Bích, tất cả đều cư trú ở Ninh Bình.
Bước đầu, các đối tượng khai nhận, sau quá trình tham gia chơi trên các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế, Hoàng Ngọc Giáp có quen biết với một người mang quốc tịch nước ngoài nhưng không rõ tên, tuổi, địa chỉ. Người này nói chuyện với Giáp trên ứng dụng Telegram và đặt vấn đề nhờ Giáp lấy các thông tin dữ liệu cá nhân của người dân để bán với giá 35USD/người, Giáp đồng ý, rủ Trần Văn Tình, Nguyễn Thị Ngọc Bích cùng tham gia.
Ban đầu, Giáp, Tình và Bích xin thông tin cá nhân của người thân trong gia đình và bạn bè quen biết mà không phải trả tiền cho họ, sau đó các đối tượng nhờ bạn bè, người thân giới thiệu người dân để lấy thông tin cá nhân và hứa sẽ trả cho mỗi người cung cấp thông tin số tiền 300.000 đồng.
Giáp yêu cầu mỗi người khi cung cấp thông tin cá nhân phải cầm trên tay giơ trước ngực 01 tờ giấy trắng khổ A4 để chụp ảnh chân dung, sau đó yêu cầu người dân đưa thẻ Căn cước công dân của họ để chụp ảnh.
Bằng thủ đoạn trên, từ đầu tháng 3/2022 đến nay, Giáp, Tình và Bích đã thu thập thông tin dữ liệu cá nhân của hơn 100 người trên địa bàn huyện Kim Sơn. Sau đó, Giáp chuyển thông tin dữ liệu cá nhân thu thập được cho người nước ngoài qua ứng dụng Telegram, người này đã trả cho Giáp tổng số tiền gần 80 triệu đồng dưới dạng tiền ảo (Bitcoin, Litecoin…).
Hoàng Ngọc Giáp đã bán các đồng tiền ảo này quy đổi ra tiền Việt Nam. Số tiền kiếm được Giáp hưởng lợi khoảng 30 triệu đồng, Tình và Bích mỗi người hưởng lợi khoảng hơn 20 triệu đồng.
Vụ việc tại Ninh Bình chỉ là một ví dụ tiêu biểu, gần nhất cho thấy, tình trạng mua bán thông tin cá nhân đang diễn ra rất phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin cho người dân. Thời gian vừa qua, nhiều vụ án mua bán thông tin cá nhân của hàng triệu người dân đã bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ.
Bộ Công an đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý dữ liệu cá nhân của khách hàng phải có trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu của khách hàng liên quan đến các giao dịch với người dân; sử dụng thông tin, dữ liệu theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý dữ liệu khách hàng gây hậu quả nghiêm trọng cũng như có hành vi mua bán trái phép dữ liệu, cung cấp trái phép dữ liệu cho bên thứ ba nhằm thu lợi bất chính, Bộ Công an sẽ điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước thông tin về việc các đối tượng rao bán gói dữ liệu bao gồm thông tin cá nhân, chứng minh thư của nhiều người dân, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội giao Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư rà soát, kiểm tra hệ thống và dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD), qua đó xác định hệ thống được bảo mật ở mức độ an toàn cao nhất, không để xảy ra việc rò rỉ, mất cắp dữ liệu. Dữ liệu cá nhân bị rò rỉ không liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD của Bộ Công an đang triển khai.
Bộ Công an đã giao đơn vị chức năng tổ chức đấu tranh, làm rõ các đường dây mua bán, chiếm đoạt dữ liệu về thông tin cá nhân tại Việt Nam. Tập trung đấu tranh, vô hiệu hiệu hóa các hệ thống, trang web cung cấp dịch vụ xác định số điện thoại đăng ký tài khoản mạng xã hội liên quan đến việc mua bán trái phép dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.
Để bảo vệ, quản lý thông tin cá nhân, Bộ Công an đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, biện pháp phòng, chống thu thập, khai thác thông tin cá nhân; khuyến cáo người dân cần hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân lên mạng, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm như CMND/CCCD, số điện thoại, địa chỉ Email, địa chỉ nhà ở, thông tin gia đình...
Trong trường hợp cần thiết phải cung cấp thông tin cá nhân thì xem xét tính hợp pháp của cơ quan, tổ chức mà mình cung cấp, yêu cầu cơ quan, tổ chức đó không được cung cấp thông tin cho một bên thứ ba khác.