Thủ tướng đặt yêu cầu tăng vốn ngân hàng quốc doanh
Quy mô vốn thấp hơn nhiều so với yêu cầu và mức vốn bình quân của các ngân hàng trong khu vực
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu tăng vốn.
Theo Thủ tướng Chính phủ, về chiến lược và tầm nhìn, Agribank hiện là ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước, lớn nhất Việt Nam, trong những năm tiếp theo Agribank sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng thương mại cổ phần.
Đến năm 2020, Agribank cần phấn đấu trở thành một trong 150 ngân hàng lớn nhất châu Á về quy mô tài sản.
Và để cổ phần hóa thành công, thu hút các nhà đầu tư chiến lược và hoàn thành các mục tiêu trên, Agribank cần đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa quá trình cơ cấu lại; phải có chiến lược, kế hoạch trung hạn, hàng năm với nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện.
Phát biểu tại biểu lễ trên, Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo Agribank về quá trình cổ phần hóa và triển khai phương án cơ cấu lại, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, phòng chống tiêu cực và thực hiện theo đúng quy định, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước và người dân.
Đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hiện tại vốn điều lệ của Agribank 30 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1,3 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với yêu cầu và mức vốn bình quân của các ngân hàng trong khu vực.
Theo Thủ tướng, đây là một hạn chế đối với yêu cầu mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh, bảo đảm an toàn theo chuẩn mực quản trị quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ đặt yêu cầu Agribank cần thực hiện đồng bộ các gỉải pháp tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo chuẩn mực quốc tế.
Agribank là một trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước, hoặc đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn đang nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, cùng với Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV).
Nhóm bốn thành viên trên hiện đang nắm trên dưới 50% thị phần huy động và cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Và đây cũng chính là những trường hợp gặp khó khăn và gần như không tăng được vốn điều lệ (ngoại trừ Vietcombank tăng được năm qua) trong ba năm qua.
Trong khi đó, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/12/2017, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đã gánh tới 4,47 triệu tỷ đồng tổng tài sản, trong khi quy mô vốn điều lệ chỉ 147.771 tỷ đồng (chớm tăng 0,84% năm qua).
Với cân đối trên, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của nhóm này đến cuối 2017 chỉ chớm trên mức quy định của Ngân hàng Nhà nước với 9,52%.
Điểm hạn chế về quy mô vốn và khó tăng vốn nói trên cũng là trở ngại lớn nhất hiện nay khiến các thành viên này chưa thể thực hiện được các chuẩn mực Basel 2 trong hoạt động.