Tín dụng đen biến tướng tinh vi, nguy cơ trở thành vấn nạn quốc gia
Với việc tín dụng đen vẫn đang hoành hành, nhiều chuyên gia cho rằng cần một chính sách để hỗ trợ các ngân hàng thương mại có thể cho vay dưới chuẩn
Càng gần thời điểm cuối năm, nhu cầu vay tiền mặt của người dân càng tăng cao nhưng để tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng là điều không dễ. Trong khi đó, tín dụng đen lại đang có nhiều diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội.
Biến tướng tinh vi, quy mô lớn
Vừa qua, liên tiếp những vụ án liên quan đến tín dụng đen đã được Bộ Công an điều tra, triệt phá. Tuy nhiên, những biến tướng của hoạt động này ngày càng tinh vi với nhiều hình thức khác nhau.
Tại một vụ án gần đây, các đối tượng người nước ngoài đã thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh lập công ty tài chính nhằm tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến.
Theo đó, tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng internet và điện thoại di động. Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của người vay tiền nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ.
Được biết, lãi suất trong vụ án này lên tới 4,4%/ngày, tương đương 1.600%/năm.
Hay như vụ án được Công an tỉnh Thanh Hoá triệt phá gần đây. Tại vụ án này, người vay được yêu cầu viết giấy vay tiền hoặc ký hợp đồng thuê xe trá hình với lức lãi suất từ 5.000 – 9.000 đồng/1 triệu/ngày (tương đương 182-328%/năm). Thông qua điều tra, công ty này được xác định có tới hơn 50 chi nhánh trên phạm vi toàn quốc.
Trong buổi Hội thảo khoa học "Hạn chế tín dụng đen tại Việt Nam", Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cảnh sát Hình sự (Bộ Công An) cho biết, nguyên nhân tín dụng đen vẫn bùng phát chủ yếu là do người dân không đáp ứng được điều kiện của các ngân hàng; một số khác vay lãi với mục đích phi pháp…
Đáng chú ý, không chỉ người lao động nghèo mà ngay cả các doanh nghiệp, thậm chí người có chức vụ trong nhà nước cũng phải đi vay tín dụng đen.
Ông Tám cũng cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xảy ra hơn 1.100 vụ phạm pháp liên quan đến tín dụng đen, trong đó xử lý hình sự 390 vụ, bắt khởi tố hơn 1.000 đối tượng.
"Bên cạnh những hệ luỵ về tài chính, tinh thần, nhiều người đi vay bị đánh đập, phá huỷ tài sản, thậm chí nhiều án mạng đã xảy ra. Tuy nhiên, việc xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng đen khó từ khâu phát hiện đến thu thập củng cố chứng cứ", ông Tám nói.
Cùng quan điểm, PGS.TS Đặng Ngọc Đức đánh giá hành vi của các đối tượng cho vay nặng lãi đã gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân và nguy cơ trở thành quốc nạn.
Số liệu từ nghiên cứu của ông Đức cho thấy, gần 70% người vay tín dụng đen có độ tuổi dưới 25; 29% từ 25-34 tuổi. Những người này đa số có thu nhập rất thấp, trong đó 54,6% người đi vay có thu nhập dưới 5 triệu đồng.
"Chừng nào các tổ chức tài chính chính thức chưa đủ đáp ứng nhu cầu vốn cũng như nhu cầu tài chính, sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là người nghèo thì vẫn còn cơ hội cho tín dụng đen phát triển", ông Đức nhấn mạnh.
Tăng hỗ trợ từ kênh chính thức
Cũng tại buổi hội thảo trên, ông Đặng Ngọc Đức cho rằng, do đây có nguy cơ trở thành quốc nạn nên cần có chương trình quốc gia để giải quyết với loạt giải pháp đồng bộ với sự phối hợp của nhiều chủ thể liên quan. Điều này cần sự chung tay của 5 nhà, gồm cơ quan quản lý; tổ chức tín dụng; người dân; chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương; cơ quan an ninh, truyền thông, tổ chức hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ.
"Có những chương trình như vậy cho dù các ngân hàng không được bao cấp về vốn nhưng cũng khuyến khích ngân hàng tạo điều kiện để cho vay dưới chuẩn, cho vay với những khoản vay chưa đạt tiêu chuẩn", ông Đức nêu rõ.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng LienVietPostBank đề nghị cần có chính sách để hỗ trợ các ngân hàng thương mại có thể cho vay dưới chuẩn. Theo đó, các ngân hàng sẽ cân đối, đưa ra sản phẩm nằm trong ngưỡng an toàn của mình.
"Bản thân các ngân hàng cũng đang cố gắng đáp ứng nhu cầu được vay của khách hàng. Tại LienVietPostBank có giải pháp xây dựng ứng dụng online phục vụ 24/7, người dân có nhu cầu vay chính đáng và có khả năng trả nợ sẽ được cấp hạn mức tín dụng nhất định", ông Thắng chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số ý kiến chuyên gia tại hội thảo đóng góp rằng, để góp phần hạn chế tín dụng đen thì các cơ quan quản lý nên hạn chế cho vay bằng tiền mặt, kết nối dịch vụ cho vay, sản phẩm cho vay với các dịch vụ công.
Nếu người dân muốn vay tiền để khám chữa bệnh thì tổ chức cho vay có thể kết nối, trả thẳng cho bệnh viện, tránh để người dân sử dụng vốn vay sai mục đích, có thể gây nợ xấu. Các ngân hàng cần tăng sức cạnh tranh bằng việc phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ số cho người dân bởi tình trạng vay tín dụng đen qua ứng dụng điện thoại đang khá phổ biến.