TP.HCM mong muốn mở lại đường sắt vận chuyển hành khách
Thời điểm này rất cần thiết mở lại các chuyến tàu hỏa chở khách để đưa người dân về quê cũng như đón người dân có nhu cầu quay lại các tỉnh phía Nam làm việc...
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Thành phố đề nghị nối lại vận tải hành khách đường sắt càng sớm càng tốt và Sở Giao thông vận tải sẽ sớm tham mưu ý kiến chính thức của Thành phố.
TP.HCM VÀ NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG MONG MUỐN MỞ LẠI
Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 18 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước khôi phục kinh tế, có hàng trăm ngàn người là lao động quê các tỉnh đang làm việc tại TP.HCM (cùng một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai…) rời thành phố quay trở về quê nhà, cả bằng phương tiện đưa đón chính thức lẫn tự phát bằng xe máy…
Riêng TP.HCM cũng đã tổ chức hàng trăm chuyến xe để đưa người lao động hồi hương theo yêu cầu; tuy nhiên, thực tế số người tự phát về quê bằng xe máy, xe đạp rất nhiều, không chỉ về các tỉnh miền Tây Nam Bộ mà cả miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc.
Không riêng TP.HCM, các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Phú Yên, Đà Nẵng,… cũng mong muốn sớm chạy lại các tuyến đường sắt chở khách để giải quyết nhu cầu đi lại, đặc biệt là việc đưa đón công dân của địa phương mình về quê, trở lại phía Nam làm việc.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cũng thừa nhận, nhu cầu người dân đi tàu hỏa từ các tỉnh phía Nam là đông và tàu hỏa phù hợp với người thu nhập thấp, người khó khăn, người già, phụ nữ mang thai và có thể chuyên chở cả xe máy.
Mới đây, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM (HCDC) có công văn số 3560/BCĐ-VX về việc phối hợp tuyên truyền, vận động và tổ chức hỗ trợ đưa người dân từ TP.HCM về quê.
Bên cạnh công tác tổ chức vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân ở lại Thành phố vì hiện tại các tỉnh, thành đang quá tải với làn sóng người dân trở về từ TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương; Thành phố cũng chú trọng công tác tổ chức hỗ trợ đưa người dân về quê đối với người dân có nhu cầu về lại quê hương.
Theo đó, đối tượng ưu tiên trong trường hợp địa phương giới hạn số lượng tiếp nhận là người trên 65 tuổi, trẻ em (dưới 18 tuổi), phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, người khuyết tật, người đã tiêm 1 mũi vaccine (trên 14 ngày hoặc trên 21 ngày, tùy địa phương nơi đến); người đã nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh trong thời gian 6 tháng (có xác nhận của cơ quan chức năng).
CÁC ĐỊA PHƯƠNG CHƯA TÌM ĐƯỢC TIẾNG NÓI CHUNG
Trước đó, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), đã có văn bản đề nghị 22 tỉnh, thành phố (có tuyến đường sắt đi qua) cho ý kiến về kế hoạch khai thác trở lại các đoàn tàu chở khách từ ngày 07/10.
Ngoài tỉnh Phú Yên đồng ý với dự thảo kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Cục Đường sắt Việt Nam, các địa phương còn lại đều đồng ý việc cần thiết khai thác trở lại các đoàn tàu khách nhưng cần phải làm rõ đối tượng, số lượng hành khách, cách thức triển khai để địa phương chuẩn bị nhân lực, nguồn lực về cách ly, điều trị.
TP.HCM mong muốn sớm mở lại tuyến vận tải hành khách bằng tàu hỏa để giải quyết nhu cầu số nhiều của bà con các tỉnh đi và đến TP.HCM. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giao thông vận tải Thành phố, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, đề nghị xem xét điều kiện y tế đối với hành khách đi tàu. Bởi nếu đưa ra tiêu chí như với hàng không (như đề nghị của các địa phương khác) thì rất khó cho người dân có nhu cầu đi lại bằng đường sắt.
Tuyến đường sắt Bắc – Nam đi từ Hà Nội đến TP.HCM đi qua 39 ga tại 22 tỉnh, thành phố, việc dừng, đỗ đón trả khách vào thời điểm này, theo Tổng công ty Đường sắt là phải cân nhắc để bảo đảm hiệu quả chạy tàu. Trong khi đó, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng đồng ý mở lại đường bay với TP.HCM và Đà Nẵng nhưng vẫn đề nghị tạm dừng chở khách bằng tàu hỏa đến Hà Nội để tăng độ phủ tiêm vaccine cho dân.
Vị này cũng đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam làm rõ các yếu tố quy định y tế với hành khách, tạm thời chưa đi, đến TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An; phải làm rõ phương án đưa, đón khách đến và đi từ các ga trên địa bàn Hà Nội và từ Hà Nội đi các địa phương khác.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đề nghị việc mở lại tàu khách trên các tuyến cần phải được thống nhất thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc tạo điều kiện đưa người dân về quê, không để tự phát. Ông cũng đề nghị các địa phương phản hồi bằng văn bản trước 13/10/2021, trong đó kiến nghị về thời gian bắt đầu thực hiện, ga đón, trả khách... Cần có ý kiến cụ thể về cơ chế phối hợp thế nào giữa các địa phương, đường sắt và thống nhất các quy định, nhất là về giấy tờ, biểu mẫu để không quá phức tạp, dễ triển khai.