Trục lợi từ những chuyến bay hồi hương, thêm một nữ Tổng giám đốc bị bắt
Chiều 25/3, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, lệnh bắt giam bị can Hoàng Diệu Mơ 42 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình về tội đưa hối lộ liên quan đến hàng trăm chuyến bay "giải cứu"...
Mở rộng điều tra vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc với bị can Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình.
Bị can Hoàng Diệu Mơ bị bắt để điều tra về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự.
Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch Vụ Hàng Không An Bình được thành lập theo Quyết định số 0105491556 do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp ngày 09/09/2011.
Theo lời giới thiệu, An Bình là đơn vị thuộc top 10 có doanh số cao nhất của Vietnam Airlines – Chi nhánh Miền Bắc và là đối tác của hàng loạt các hãng bay quốc tế.
Trước đó, cuối tháng 1/2022, lực lượng chức năng khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra hành vi "nhận hối lộ", gồm: Nguyễn Thị Hương Lan sinh năm 1974, tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Lãnh sự; Đỗ Hoàng Tùng sinh năm 1980, tại Hà Nội, Phó Cục trưởng; Lê Tuấn Anh sinh năm 1982, tại Hưng Yên, Chánh Văn phòng và Lưu Tuấn Dũng sinh năm 1987, tại Hà Nội, Phó phòng Bảo hộ công dân.
Tháng 2/2022, Cơ quan An ninh điều tra cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay giải cứu, thời điểm đưa công dân Việt Nam về nước; căn cứ tiêu chí, cơ sở xét, duyệt cấp chuyến bay; quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay "giải cứu"...
Cơ quan điều tra cũng đề nghị cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay và các công ty, doanh nghiệp được Bộ cấp phép triển khai các chuyến bay giải cứu, combo; kế hoạch và văn bản phê duyệt; danh sách công dân được đưa từ nước ngoài về trên các chuyến bay này; hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay...
Phản hồi đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Giao thông vận tải từng khẳng định Bộ này không được giao trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay giải cứu, chuyến bay "combo".
Từ năm 2020, nhiều sinh viên du học, lao động Việt Nam xuất khẩu trên khắp thế giới cũng như bà con muốn hồi hương phải "cắn răng" chi trả những chuyến bay đắt đỏ cũng như phải chịu những thủ tục gây khó dễ từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, bà con Việt Kiều ngậm ngùi chia sẻ kinh nghiệm tìm đường về nhà, về Tổ quốc bằng cách “lách” sang Campuchia với chi phí rẻ hơn qua con đường "chặt chém" của đường dây lãnh sự trong và ngoài nước.
Chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc về nước vào đầu tháng 2/2020. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước, cách ly tập trung tại các cơ sở do quân đội quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành, đặc biệt thành viên Tổ công tác 5 bộ để tổ chức hơn 400 chuyến bay đưa về nước hơn 70.000 người, cách ly tại cơ sở dân sự theo hình thức tự nguyện trả phí. Tổng số chuyến bay về nước gần 800 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.