Vẫn có thể mở rộng cung tiền, cẩn thận "bóng ma" lạm phát
"Tôi hy vọng ngành ngân hàng tăng giám sát các tỷ lệ an toàn cho hoạt động tín dụng và thực hiện danh mục kiểm soát cao với các khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản"
Năm 2020 là một năm đầy biến động khi đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu. Song nhờ vào việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng Việt Nam đã trở thành điểm sáng hiếm hoi khi giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91%.
Vậy, sang năm 2021, chính sách tiền tệ sẽ được điều hành thế nào để tiếp tục giúp kinh tế Việt Nam hồi phục? VnEconomy đã có buổi trò chuyện với TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam về dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam trong năm 2021.
Theo ông, năm 2021 Việt Nam có những thuận lợi gì trong việc điều hành chính sách tiền tệ?
Muốn nói về 2021, chúng ta phải nhìn qua lại năm 2020, bởi đây là tiền đề. Về tổng thể năm 2020, các chính sách tiền tệ nhằm đối phó với dịch Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, các hành động hạ lãi suất 3 lần các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2%/năm cũng chỉ là tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp.
Do đó, mức tác động đến cung tiền trong năm 2020 không quá lớn so với việc bơm tiền trực tiếp như các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh mới tăng 13,26% so với cuối năm 2019.
Ngoài ra, rất nhiều cơ hội đến từ nội lực và những yếu tố bên ngoài giúp nền kinh tế vĩ mô năm 2021 ổn định. Về nội lực, khả năng khống chế dịch bệnh tốt, tạo bệ đỡ lớn trong sự phát triển kinh tế, lạm phát vẫn duy trì ở mức cho phép.
Về yếu tố bên ngoài, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bởi một số hiệp định thương mại quốc tế EVFTA, CPTPP và RCEP.
Một khi nền kinh tế vĩ mô ổn định, dư địa trong năm 2021 để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ là lớn, lớn hơn của cả năm ngoái.
Vậy còn những khó khăn thách thức?
Như tôi nói bên trên, dư địa để điều hành quả thật lớn hơn. Nhưng tình hình sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện nhiều vì vẫn phải phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu cũng như khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Những tháng cuối năm trước, tình hình cho vay vốn dường như tăng lên nhưng khả năng hấp thụ vốn đó chưa chắc chắn.
Tiếp nữa, chính sách tiền tệ còn phụ thuộc vào chính sách của các ngân hàng thương mại. Hiện tại, lãi suất huy động rất thấp nhưng lãi suất doanh nghiệp tiếp cận để vay vẫn cao.
Và dường như lãi suất huy động đã tiệm cận dưới rồi, khó để giảm hơn. Tại nhiều ngân hàng, lãi suất tiết kiệm dao động quanh vùng 3%/năm, thấp hơn cả lạm phát mục tiêu. Trong khi lãi suất tiết kiệm phải đảm bảo được lãi suất thực dương thì mới khuyến khích được người dân gửi tiền vào ngân hàng.
Không những vậy, thị trường tiền tệ bị cạnh tranh rất nhiều bởi các thị trường khách như thị trường vốn. Hai thị trường này tính liên thông càng ngày càng cao, nên lãi suất thấp quá thì tiền sẽ chạy vào chỗ khách chứ không chảy vào hệ thống ngân hàng nữa. Đấy là một bài toán mà các nhà điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải xử lý.
Theo ông, Việt Nam cần làm gì để vượt qua thách thức và nắm lấy cơ hội để điều hành chính sách hiệu quả?
Tôi nghĩ điều hành chính sách vẫn phải giống năm ngoái như trò tung hứng. Vẫn phải quan sát lựa chọn, đặc biệt phải thận trọng, linh hoạt. Bởi diễn biến nền kinh tế trong khu vực và quốc tế có nhiều yếu tố chưa rõ như thời gian trước.
Trong bối cảnh phức tạp phải theo dõi rất sát cả tình hình chính trị, kinh tế, các chính sách đặc biệt là chính sách tiền tệ của các nước lớn.
Ở một khía cạnh nào đó, Việt Nam cũng có thể mở rộng cung tiền lên một chút, nhưng phải cẩn thận bóng ma lạm phát.
Mặt khác, dư địa của chính sách tài khoá có vẻ hẹp hơn năm trước. Trong đó, chiếc túi ngân sách của chúng ta vô vùng hạn hẹp và đang nhẹ đi rất nhiều.
Do đó, năm 2021 có thể buộc phải dùng chính sách tiền tệ nhiều hơn. Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá cần nhịp nhàng hơn theo một hình thái khác, cùng đồng hành, bổ trợ cho nhau để không làm mất đi các cân đối lớn vĩ mô.
Ông có đưa ra cảnh báo gì không?
Năm 2021, nhà điều hành cũng nên cần chú ý đến nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Vì cái đó có thể ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ nói chung và hoạt động của từng ngân hàng nói riêng.
Thông tư 01 nhằm đưa ra phương án sắp xếp các khoản nợ xấu vẫn còn là dự thảo. Nợ khó đòi tăng lên so với năm trước là điều khó tránh. Đây là điều khiến nhà điều hành chính sách phải lưu ý.
Theo tôi, công tác quản trị rủi ro về nợ khó đòi cần phải nâng lên một mức nữa để đảm bảo an toàn hệ thống.
Cuối cùng, ông có kỳ vọng gì về chính sách tiền tệ năm 2021?
Với những khó khăn của năm 2020 còn vượt qua thì năm 2021 chúng ta hoàn toàn có thể mạnh dạn tin tưởng vào nhà điều hành. Tôi hy vọng nhà điều hành có thể tiếp tục linh hoạt trong từng giai đoạn, từng tình huống thực tế.
Ngoài ra, về mặt kiểm soát, tôi cũng hy vọng ngành ngân hàng tăng giám sát các tỷ lệ an toàn cho hoạt động tín dụng và thực hiện danh mục kiểm soát cao với các khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản…
Đồng thời, vẫn biết lợi nhuận là quan trọng nhưng cũng mong ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng nhiều hơn. Khách hàng có tốt thì ngân hàng mới phát triển bền vững được.
Xin cảm ơn ông.