Vẫn nhiều trắc trở, thị trường hàng không liệu sẽ hồi phục hoàn toàn vào cuối năm 2023?
Thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn trong khi dự báo thị trường quốc tế sẽ lấy lại những gì đã mất vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, hiện việc phục hồi thị trường khách trọng điểm của Việt Nam đang gặp khó cùng nhiều mối lo khác, sẽ khiến tiến trình phục hồi trong năm nay gặp nhiều trắc trở...
Cục Hàng không Việt Nam cho biết theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) về thị trường hàng không toàn cầu, sản lượng luân chuyển hành khách quốc tế năm 2023 dự kiến bằng 80% so năm 2019 và nội địa đạt khoảng 95% so năm 2019.
Tuy nhiên, tốc độ hồi phục tại các khu vực khác nhau trong đó khu vực trong đó khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được dự báo là phục hồi chậm nhất. Doanh thu vận tải hành khách dự báo tăng và ngành hàng không toàn cầu sẽ có lãi trở lại.
VẬN CHUYỂN KHÁCH NỘI ĐỊA VÀ HÀNG QUỐC TẾ VƯỢT THỜI ĐIỂM TRƯỚC ĐẠI DỊCH
Đối với Việt Nam, theo Cục Hàng không, ngành hàng không dần phục hồi và hết năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn, có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Còn thị trường quốc tế đang dần dần hồi phục và dự báo sẽ đạt được mức 2019 vào cuối năm 2023.
Dự báo, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. Đáng chú ý, so với cùng thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019) tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa.
Cụ thể, vận chuyển nội địa đạt 45,5 triệu khách tăng 5% so với năm 2022 và tăng mạnh mẽ 22% so với năm 2019.
Đồng thời, vận chuyển nội địa 230 nghìn tấn hàng hóa, tăng 55% so với năm 2022 và bằng 85% so với năm 2019.
Trong khi đó, vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu khách, gấp 3 lần so năm 2022 và phục hồi lên đến 83,5% so với năm 2019.
Vận chuyển hàng hoá quốc tế đang chứng kiến tiềm năng tăng trưởng rõ rệt sau đại dịch khi vận chuyển 1,23 triệu tấn hàng hóa quốc tế, tăng 10% so với năm 2022 và tăng mạnh 22,4% so với năm 2019.
Cũng theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 1/2023, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không ghi nhận đạt 9,8 triệu khách, tăng 13,8% so với tháng 12/2022.
Trong đó, khách quốc tế đạt 2,3 triệu khách, tăng 10% và khách nội địa đạt 7,5 triệu khách, tăng 15% so với tháng 12/2022. Trong số này, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 4,85 triệu khách (tăng 13,4% so với tháng 12/2022) với 1,1 triệu khách quốc tế, tăng 8,5% và 3,75 triệu khách nội địa, giữ đà tăng trưởng 15%.
Về hàng hóa, sản lượng thông qua các cảng hàng không trong tháng đầu tiên của năm 2023 đạt 112 nghìn tấn, tăng 11,6% so với tháng 12/2022. Riêng hàng hóa quốc tế là 83 nghìn tấn, tăng 10% và hàng hóa nội địa đạt sản lượng 29 nghìn tấn, tăng 16,6% so với tháng 12/2022.
NHIỀU THÁCH THỨC BỦA VÂY, HÀNG KHÔNG VẪN LỖ NẶNG
Cục Hàng không nhận định bên cạnh những cơ hội cho ngành hàng không, vẫn có những thách thức lớn như hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, sự bất ổn của giá nhiên liệu, sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn hàng không và xung đột Nga-Ukraine.
"Việc phục hồi thị trường hành khách trọng điểm khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản diễn ra từ từ do các khó khăn nội tại, bởi tâm lý e ngại dịch bệnh quay lại, kinh tế khó khăn. Khi đó, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch sẽ là khoản cắt giảm đầu tiên đối với đa số người dân", Cục Hàng không đánh giá.
Do đó, nhu cầu đi lại chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh.
Trước những khó khăn vẫn thường trực đối với hàng không quốc tế, dù hàng không nội địa phục hồi nhanh đem lại tổng doanh thu và thu nhập khác của Vietnam Airlines năm 2022 tăng 150%, tương đương 30.258 tỷ đồng, tuy nhiên, trong quý 4/2022, hãng này tiếp tục báo lỗ từ công ty mẹ, Pacific Airlines và công ty dịch vụ mặt đất so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung, hãng hàng không quốc gia vẫn lỗ hơn 8.634 tỷ đồng trong năm 2022.
Đối với hãng bay VietJet Air, doanh thu quý 4/2022 dù tăng gấp hơn 2,7 lần nhưng hãng vẫn lỗ hơn 3.330 tỷ đồng sau nhiều năm cầm cự. Đây là khoản lỗ sau thuế lớn nhất trong lịch sử của VietJet. Lũy kế cả năm 2022, VietJet ghi nhận doanh thu thuần 39.342 tỷ đồng, gấp 3 lần năm ngoái nhưng lỗ sau thuế 2.171 tỷ đồng, đảo ngược với kết quả lãi 122 tỷ đồng của năm 2021.
Rõ ràng, trong giai đoạn ngắn hạn, thị trường khách quốc tế lớn nhất Việt Nam đến từ Trung Quốc vẫn chưa thể hồi phục như thời điểm trước dịch, sẽ là lực cản trong tiến trình phục hồi của doanh nghiệp ngành hàng không.
Ngày 6/2 vừa qua, quốc gia này đã cho phép các doanh nghiệp nước này được nối lại hoạt động đưa khách theo nhóm đi du lịch nước ngoài, với danh mục 20 nước. Tuy nhiên, trong danh sách 20 nước này không có Việt Nam.
Cụ thể, các nước Trung Quốc cho phép mở tour trở lại gồm 11 nước ở châu Á - Thái Bình Dương: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, New Zealand và Fiji. 9 quốc gia còn lại là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, Cuba và Argentina.
Liên quan tới hoạt động bay thường lệ giữa Việt Nam - Trung Quốc, ngày 7/2, đại diện Vietnam Airlines cho biết trong tháng 3 và tháng 4 tới, hãng sẽ khôi phục hoạt động bay thường lệ với 9 đường bay kết nối Việt Nam và Trung Quốc. Đây là 9 trong tổng số 10 đường bay thường lệ đã được Vietnam Airlines khai thác trước khi phải tạm dừng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Điều này khiến sản lượng vận chuyển khách bằng hàng không khó đạt kỳ vọng và kéo dài thêm những khó khăn với doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Hiện Vietnam Airlines đang khai thác thường lệ các đường bay kết nối Hà Nội, TP. HCM với Quảng Châu và Thượng Hải; tháng 3 tới sẽ khôi phục thêm đường bay Hà Nội và Bắc Kinh; từ tháng 4 sẽ khôi phục đường bay Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô, giữa Hà Nội và Thành Đô.
Dù dự báo giai đoạn đầu mở lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc khách chưa nhiều nhưng Vietnam Airlines vẫn đặt kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ bằng khoảng 80% so sánh năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19.