Vàng chững giá trước thềm cuộc họp Fed
Giới phân tích nhận định thị trường vàng quốc tế đang thận trọng trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ...
Giá vàng thế giới tăng nhẹ sáng đầu tuần hôm nay (29/1), nhưng giá vàng miếng trong nước giảm nhẹ so với cuối tuần. Giới phân tích nhận định thị trường vàng quốc tế đang thận trọng trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ.
Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 74,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 76,65 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện đi ngang ở chiều mua vào nhưng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 63,75 triệu đồng/lượng và 64,85 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với cuối tuần.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 74,2 triệu đồng/lượng và 76,7 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, không thay đổi so với cuối tuần.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 2.024,2 USD/oz, tăng 4,4 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,2%, so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương gần 60,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 16,3 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn 4,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới gần đây chững trong vùng 2.000-2.030 USD/oz do một mặt được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị, mặt khác đương đầu với áp lực giảm từ xu hướng tăng của tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, cũng như thay đổi trong kỳ vọng về lãi suất của Fed.
Do kinh tế Mỹ gần đây liên tục phát đi các số liệu thống kê tốt hơn dự báo, thị trường cho rằng Fed sẽ khó bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3 năm nay. Thay vào đó, các nhà giao dịch đang đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed có đợt hạ lãi suất đầu tiên vào tháng 5. Việc thời điểm giảm lãi suất bị đẩy lùi không có lợi cho giá của vàng - một tài sản không mang lãi suất.
Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên trong năm 2024 của Fed, dự kiến diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Theo dự báo, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong lần họp này, nên điều mà thị trường chờ đợi sẽ là tín hiệu về đường đi của chính sách trong thời gian tới.
Tiếp đó, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tổng thể tháng 1 vào ngày thứ Sáu. Dữ liệu này được nhận định sẽ có ảnh hưởng lớn để kỳ vọng lãi suất Fed.
Một số chuyên gia tỏ ra bi quan về triển vọng giá vàng. “Tôi cho rằng Fed sẽ bớt mềm mỏng hơn trong cuộc họp tuần tới, và điều này sẽ đẩy đồng USD tăng giá mạnh, gây bất lợi cho giá vàng”, ông Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng tại công ty SIA Wealth Management, nhận định trong một cuộc trao đổi với trang Kitco News.
Còn theo chiến lược gia Frank Cholly của công ty RJO Futures, giá vàng trước mắt sẽ tiếp tục giằng con trong phạm vi hẹp. “Mức 2.100 USD/oz sẽ là một ngưỡng cản lớn, lớn còn mức 1.950 USD/oz sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh. Tôi cho rằng giá vàng trong ngắn hạn sẽ dao động trong phạm vi như vậy, chủ yếu trong vùng giá 2.000 USD/oz đến 2.050 USD/oz”, ông Cholly nói.
Xu hướng bán ròng vàng tiếp diễn của các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) - một lực lượng quan trọng trên thị trường vàng - cũng là một nhân tố không có lợi cho giá kim loại quý này. Tuần trước, ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán ròng khoảng 5 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ còn 856 tấn vàng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.380 đồng (mua vào) và 24.750 đồng (bán ra), giảm 15 đồng ở mỗi đầu giá so với mức chốt của tuần vừa rồi.