Việt Nam cần một chiến lược táo bạo, tỉ mỉ và bài bản để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một chiến lược táo bạo, tỉ mỉ và hướng đi bài bản để phát triển ngành bán dẫn Việt Nam...
Tháng 10/2023, Việt Nam ghi nhận bước đột phá quan trọng khi Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) lần đầu tiên thiết kế và chế tạo thành công chip 5G do chính người Việt Nam làm chủ hoàn toàn. Đây là con chip công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu một cột mốc lớn trong hành trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước.
CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN VÀ ĐIỆN TỬ ĐÓNG VAI TRÒ CHỦ LỰC TRONG NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
Phát biểu tại Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin lần thứ XXVII, REV-ECIT 2024 với chủ đề “Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo” do Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) phối hợp với Trường Đại học Phenikaa tổ chức chiều 14/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực mang tính chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ số và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.
"Việc kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để xây dựng môi trường đổi mới sáng tạo trong thiết kế vi mạch và ứng dụng thực tiễn là nhiệm vụ then chốt", Thứ trưởng nhận định.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng kêu gọi các đơn vị, từ cơ sở đào tạo đến các tập đoàn công nghệ, tăng cường hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về bán dẫn của Việt Nam. Theo đó, các hành động cụ thể sẽ bao gồm thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu giải quyết các bài toán thực tiễn trong sản xuất, thiết kế vi mạch, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
TS. Bùi Việt Sơn, chuyên gia công nghệ bán dẫn, Ban Công nghệ bán dẫn, Tập đoàn Viettel, cho biết ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế Việt Nam, với tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan năm 2023.
“Con số này đang tăng đều qua từng năm, phản ánh vai trò quan trọng của ngành trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia”, TS. Bùi Việt Sơn nói. “Ngoài ra, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Intel, NVIDIA, Foxconn, đặc biệt trong các lĩnh vực như đóng gói (packaging) và kiểm định chip. Điều này tạo tiền đề để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”.
Dù có nhiều tiềm năng, ngành bán dẫn Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Thứ nhất là về nguồn nhân lực. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5.000-6.000 kỹ sư thiết kế mạch, nhưng số lượng này chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các công ty.
Các chương trình đào tạo cũng chưa đạt mức chuyên sâu cần thiết, và sự cạnh tranh về nhân lực với các quốc gia mạnh như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore đang rất gay gắt.
Thứ hai, chi phí đầu tư cao. Việc xây dựng và vận hành các nhà máy sản xuất chip đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi rủi ro tài chính và thời gian hồi vốn kéo dài. Quy trình sản xuất chip phức tạp, cần công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự có tay nghề cao.
Thứ ba, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa hình thành đầy đủ chuỗi cung ứng nội địa. Điều này khiến Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài.
MỘT CHIẾN LƯỢC TÁO BẠO, TỈ MỈ VÀ HƯỚNG ĐI BÀI BẢN TRONG PHÁT TRIỂN BÁN DẪN
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, chuỗi giá trị của ngành bán dẫn, bao gồm ba giai đoạn chính: nghiên cứu và thiết kế chip, sản xuất chip (fabrication), và đóng gói - kiểm định. Trong ngắn hạn 5-7 năm, Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng cường tham gia vào giai đoạn đóng gói chip. Về dài hạn trong 10-20 năm, Việt Nam hướng đến xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển chuyên sâu về thiết kế chip, tiến tới tạo ra một hệ sinh thái bán dẫn độc lập.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông cho rằng với động lực kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một chiến lược táo bạo, tỉ mỉ và hướng đi bài bản để phát triển ngành bán dẫn Việt Nam.
Theo đó, các giải pháp thực thi sẽ bao gồm đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, chẳng hạn xây dựng các nhà máy đóng gói chip theo mô hình của Samsung và Intel, cùng với các khu công nghệ cao chuyên biệt dành cho bán dẫn. Song song đó, ông Lịch nhấn mạnh cần ban hành các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế và hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Và quan trọng không kém nữa là việc hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới tại các trung tâm trong nước, xây dựng quan hệ đối tác với các nhà nghiên cứu hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo TS. Nguyễn Khắc Lịch, yếu tố nhân lực và hợp tác quốc tế đóng vai trò quyết định. “Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các trường đại học để thiết kế chương trình đào tạo chuyên sâu về chip, đồng thời triển khai các chương trình gửi nhân tài đi học tập tại những quốc gia có công nghệ chip tiên tiến, nhằm đảm bảo lực lượng nhân lực chất lượng cao”, ông Nguyễn Khắc Lịch nói.
“Ngành bán dẫn không chỉ là một ngành công nghiệp, mà còn là con đường dẫn tới sự sáng tạo và đổi mới cho Việt Nam. Để thực hiện tầm nhìn này, chúng ta cần sự đồng lòng từ chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội. Nếu làm được, ngành bán dẫn Việt Nam sẽ không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn góp phần đưa đất nước vươn lên trở thành một ngôi sao sáng trong bản đồ kinh tế khu vực và thế giới”, TS. Nguyễn Khắc Lịch nói.
MỘT TRONG NHỮNG LỢI THẾ LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM CHÍNH LÀ CON NGƯỜI
Đặc biệt, trả lời câu hỏi về việc Việt Nam có thế mạnh gì để có thể đạt được các mục tiêu về bán dẫn như đã đề ra, ông Nguyễn Khắc Lịch cho rằng một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong chiến lược phát triển ngành bán dẫn chính là con người.
“CEO Nvidia trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua đã nhấn mạnh người Việt Nam sở hữu tư duy xuất sắc về STEM - toán học và khoa học kỹ thuật – một yếu tố phù hợp tự nhiên với các yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Đây chính là nền tảng để Việt Nam tự tin đặt tham vọng thành công trong lĩnh vực này”, ông Nguyễn Khắc Lịch nói.
Hơn nữa, mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc cung cấp nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, mà còn vươn xa hơn, hướng đến việc trở thành trung tâm cung cấp nhân lực cho khu vực và toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới nhân lực bán dẫn thế giới.
Theo TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng, đồng thời thể hiện quyết tâm chính trị lớn trong triển khai chiến lược Chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin mà còn đổi mới toàn diện quy trình quản lý, sản xuất và năng lực công nghệ số, với hạ tầng thông tin và truyền thông đóng vai trò then chốt.
Ngành thông tin và truyền thông đã nỗ lực ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, đề xuất nhiều chính sách đột phá như chiến lược "Make in Việt Nam", phát triển hạ tầng số, Chuyển đổi số quốc gia, và công nghiệp vi mạch bán dẫn, góp phần rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TS Trần Đức Lai cho biết Hội nghị toàn quốc về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin (REV-ECIT) là hội nghị khoa học thường niên của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV), bắt đầu từ năm 1990. REV-ECIT là một trong những diễn đàn khoa học quốc gia, thu hút nhiều nhà khoa học hàng đầu cả nước trong các lĩnh vực Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan.
Hội nghị REV-ECIT 2024 quy tụ gần 300 nhà khoa học đến từ 61 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học trên toàn quốc.
Ban tổ chức REV-ECIT 2024 đã nhận được 159 công trình khoa học của các nhà nghiên cứu và chuyên gia. Sau quá trình xét duyệt nghiêm túc, kỹ lưỡng với sự tham gia của hơn 358 lượt phản biện, Ban tổ chức Hội nghị đã chấp nhận 128 công trình khoa học tiêu biểu (chiếm 80%) để trình bày và xuất bản trong Kỷ yếu Hội nghị.