Gã khổng lồ giao đồ ăn Delivery Hero trượt dốc, không thể trấn an các nhà đầu tư
Kết quả sơ bộ cho thấy Delivery Hero đã tăng 6,8% tổng giá trị đơn hàng lên 51,17 tỷ USD vào năm 2023, nhưng giá cổ phiếu vẫn trượt dốc không phanh…
Theo CNBC, cổ phiếu Delivery Hero tiếp tục ghi nhận sụt giảm vào đầu tuần này, nối dài kết quả ảm đạm từ tuần trước.
Báo cáo tài chính chưa qua kiểm toán và công bố sớm một tuần cho thấy công ty có trụ sở tại Đức đã tăng doanh số bán hàng theo đúng dự đoán và hứa hẹn lợi nhuận sẽ còn cao hơn trong năm 2024.
Quyết định sớm chia sẻ số liệu của Delivery Hero là nỗ lực nhằm trấn an các nhà đầu tư. Cụ thể, công ty công bố mức doanh thu đạt 11,3 tỷ USD trong quý 4, cao hơn so với 10,75 tỷ USD mà các nhà phân tích dự đoán, theo dữ liệu từ LSEG. Delivery Hero cũng cho biết EBITDA đã điều chỉnh (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ) đạt vượt ngưỡng 268,75 triệu USD. Trước đó, các nhà phân tích dự báo EBITDA đã điều chỉnh khoảng 274,45 triệu USD.
GMV (tổng giá trị hàng hóa), ở đây được hiểu là giá trị tổng hợp của tất cả đơn đặt hàng trên nền tảng Delivery Hero, đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 13,2 tỷ USD trong quý 4/2023 và tăng tổng cộng 6,8% lên 51,17 tỷ USD trong năm 2023.
Số liệu phù hợp với dự báo của công ty về mức tăng trưởng “khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái” vào đầu năm 2023.
Delivery Hero cho biết kết quả này được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng đơn hàng lành mạnh ở nhiều khu vực địa lý của hãng.
Đáng chú ý nhất, Delivery Hero cũng đưa ra một số kỳ vọng lạc quan cho năm 2024, gã khổng lồ giao hàng dự báo mức tăng trưởng GMV tăng 7% - 9% trong năm.
Delivery Hero kỳ vọng doanh thu của phân khúc giao hàng sẽ tăng từ 15% đến 17% trong cả năm 2024 và EBITDA đã điều chỉnh sẽ dao động trong khoảng từ 779 triệu USD đến 833 triệu USD.
Mục tiêu đánh dấu mức lợi nhuận cao gấp ba lần so với năm ngoái.
Delivery Hero khẳng định có thể đạt được mục tiêu thông qua chiến lược tập trung tăng số lượng đơn đặt hàng nhằm tăng dần biên EBITDA. Công ty dự kiến sẽ đạt tỷ suất lợi nhuận EBITDA 1,6% vào năm 2024.
Công ty sẽ công bố một vài số liệu sơ bộ bổ sung cho quý IV/2023 trong bản cập nhật giao dịch dự kiến vào ngày 14/2.
MỘT TUẦN KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI DELIVERY HERO
Một tuần đen tối xuất hiện sau khi cổ phiếu của Delivery Hero mất hơn 26% giá trị vào tuần trước, trượt xuống mức giá thấp nhất kể từ năm 2022, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư phản ứng với tin tức xung quanh việc bán tài sản danh mục đầu tư của công ty.
Đầu tuần trước, Delivery Hero cho biết sẽ bán toàn bộ 4,5% cổ phần của hãng trong công ty giao đồ ăn Deliveroo đến từ Vương quốc Anh với giá 97 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức giá mua vào năm 2021.
Hơn nữa, cổ phiếu Delivery Hero tiếp tục giảm mạnh sau khi có nguồn tin cho biết công ty đã kết thúc cuộc thảo luận để bán một số tài sản trong doanh nghiệp giao đồ ăn ở Đông Nam Á, Foodpanda, cho đại gia cùng ngành là Grab của Singapore.
Delivery Hero phủ nhận cáo buộc, đưa ra tuyên bố rằng tin đồn cuộc đàm phán xoay quanh khả năng bán tài sản của Foodpanda đã sụp đổ là “sai sự thật” và đàm phán giữa các bên vẫn đang diễn ra.
Được biết, Delivery Hero đã triển khai mua bán và sáp nhập đáng kể trong khoảng một năm qua - cả về khía cạnh mua lại lẫn thoái vốn.
Công ty đã mua lại đối thủ Glovo đến từ Tây Ban Nha với số tiền không được tiết lộ vào năm 2022. Cùng năm đó, Delivery Hero cũng bán cổ phần trong công ty tạp hóa Gorillas đặt trụ sở tại Đức cho đối thủ cạnh tranh Getir.
Delivery Hero tin rằng M&A nên được sử dụng như một công cụ để mở khóa giá trị chiến lược từ một số tài sản nhất định thay vì mua lại chỉ để thu được lợi nhuận lớn ngắn hạn rồi nhanh chóng bán đi.
Với Deliveroo, Delivery Hero đã bán cổ phần khi giá trị giảm đáng kể so với mức giá mà công ty bỏ ra vào giữa năm 2021, thời điểm đỉnh cao bùng nổ dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến do bối cảnh đại dịch.
Delivery Hero là một trong những dịch vụ giao đồ ăn lớn nhất thế giới với hơn 2,2 tỷ người dùng trên ứng dụng.
Một số đối thủ cạnh tranh lớn bao gồm gã khổng lồ DoorDash đến từ Mỹ, Deliveroo đến từ Vương quốc Anh, hay Grab (Singapore) và Gojek có trụ sở tại Indonesia.