YouTuber AI đang kiếm được hàng triệu USD
Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, một người dùng ẩn danh có thể vận hành hàng chục kênh YouTube, sản xuất tới 80 video mỗi ngày và thu nhập hàng triệu USD, mở ra mô hình kiếm tiền mới trong thời đại số…

Một trong những YouTuber game nổi tiếng nhất hiện nay là Bloo – nhân vật có mái tóc xanh dương uốn sóng, đôi mắt màu lam đậm, nhưng không phải là người thật mà là một cá nhân hoàn toàn ảo được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI), theo CNBC.
“Tôi ở đây để mang lại sự giải trí cho hàng triệu người xem trên khắp thế giới và khiến họ phải quay lại xem nhiều hơn nữa”, Bloo chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với báo chí. “Tôi mang đến nguồn năng lượng tích cực và nội dung hấp dẫn. Tôi được tạo ra bởi con người, nhưng được tăng cường nhờ AI”.
Bloo là một YouTuber ảo (hay còn gọi là VTuber) hiện đạt 2,5 triệu người đăng ký và hơn 700 triệu lượt xem nhờ các video chơi một số tựa game nổi tiếng như Grand Theft Auto, Roblox và Minecraft.
VTuber trở nên phổ biến lần đầu ở Nhật Bản vào những năm 2010. Ngày nay, sự phát triển của AI giúp việc tạo ra các nhân vật ảo trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, thúc đẩy làn sóng sáng tạo nội dung ảo mới trên YouTube.
Nhân vật Bloo – với màu sắc tươi sáng và vóc dáng 3D như bước ra từ phim hoạt hình – được sáng tạo bởi Jordi Van Den Bussche, một YouTuber kỳ cựu còn được biết đến với biệt danh Kwebbelkop. Anh Van Den Bussche, 29 tuổi, sống tại Amsterdam, cho biết đang phát triển Bloo sau khi nhận ra mình không thể tiếp tục duy trì khối lượng công việc tạo nội dung như trước đây.
“Thực ra, điểm yếu trong công việc này chính là con người, vì vậy chúng ta cần loại bỏ yếu tố con người khỏi quá trình sáng tạo”, anh Van Den Bussche nói. “Giải pháp hợp lý nhất là thay thế bằng một nhân vật người thật mô phỏng hoặc hoạt hình. Và VTuber chính là lựa chọn duy nhất – đó là lý do Bloo ra đời”.
DOANH THU TRIỆU USD NHỜ AI
Theo anh Van Den Bussche, Bloo đã tạo ra doanh thu lên đến 7 con số (triệu USD). Nhiều VTuber như Bloo được điều khiển bởi con người thông qua công nghệ bắt chuyển động hoặc nhận diện khuôn mặt theo thời gian thực. Tất cả khâu khác trên kênh của Bloo – từ hình thu nhỏ video, lồng tiếng đa ngôn ngữ đến mô tả nội dung – đều được xử lý bởi công cụ AI như ElevenLabs, ChatGPT, Gemini hay Claude. Mục tiêu dài hạn của anh Bussche là để toàn bộ quá trình sáng tạo nội dung và hình thành tính cách của Bloo được vận hành hoàn toàn bằng AI.
Anh Bussche chia sẻ bản thân đã thử nghiệm video do AI tạo ra 100% trên kênh Bloo, nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Theo anh, nội dung do AI sản xuất vẫn chưa đạt được sự tinh tế và sáng tạo giống con người – yếu tố then chốt để video thu hút người xem.
“Khi nào AI làm tốt hơn, nhanh hơn hoặc rẻ hơn con người, thì chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ 100%”, anh nói, và ngày đó không còn xa.
Startup Hedra hiện cung cấp một sản phẩm sử dụng AI để tạo video dài tối đa 5 phút. Hồi tháng 5, công ty này huy động được 32 triệu USD từ vòng gọi vốn do quỹ Infrastructure của Andreessen Horowitz dẫn đầu.
Sản phẩm của Hedra – Character-3 – cho phép người dùng tạo nhân vật AI cho video, đồng thời thêm thoại và nội dung khác. CEO Michael Lingelbach chia sẻ rằng Hedra đang phát triển sản phẩm cho phép người dùng tạo ra các nhân vật hoàn toàn tự động và có khả năng vận hành độc lập.

“Chúng tôi đang tập trung đẩy nhanh khả năng vận hành theo thời gian thực của các mô hình như Character-3, và điều đó cực kỳ phù hợp với VTuber”, CEO Lingelbach cho biết.
Công nghệ Character-3 được nhiều nhà sáng tạo sử dụng để thử nghiệm định dạng nội dung mới – nhiều dự án trong số đó đã trở nên viral (lên xu hướng). Chẳng hạn, podcast "Talking Baby" của danh hài Jon Lajoie với hình ảnh một em bé hoạt hình nói chuyện siêu thực vào micro. Hay Milla Sofia – ca sĩ và nghệ sĩ ảo – cũng thu hút hàng nghìn lượt xem với vô số video âm nhạc do AI tạo ra.
Các nhà sáng tạo đang dùng Character-3 để sản xuất nội dung nổi bật trên mạng xã hội, giúp họ tiếp cận đông đảo khán giả mà không cần tốn kém chi phí và công sức như quy trình sản xuất truyền thống.
AI tạo video là công nghệ đang phát triển nhanh chóng, thay đổi cách sản xuất nội dung, khi không cần máy quay, diễn viên hay phần mềm dựng phim. Hồi tháng 5, Google công bố công cụ Veo 3 – phần mềm tạo video bằng AI kèm âm thanh. Google cho biết họ sử dụng một phần nội dung từ YouTube để huấn luyện Veo 3
YOUTUBER AI VÔ DIỆN ĐANG TRỖI DẬY
Các nhà sáng tạo nội dung đang ngày càng tìm ra cách sinh lời hiệu quả từ công nghệ AI tạo sinh – làn sóng công nghệ bùng nổ sau sự ra đời của ChatGPT vào cuối năm 2022.

Xu hướng đang phát triển mạnh mẽ hiện nay là sự xuất hiện của nhiều kênh YouTube sử dụng AI mà người sáng tạo không cần lộ diện, hay còn gọi là "kênh vô diện". Những kênh này do nhà sáng tạo vận hành thông qua công cụ AI để sản xuất video sử dụng hình ảnh và giọng nói được tạo hoàn toàn bằng máy, đôi khi có thể mang về thu nhập hàng nghìn USD mỗi tháng dù người làm nội dung chưa từng xuất hiện trước ống kính.
“Mục tiêu của tôi là mở rộng lên 50 kênh, nhưng ngày càng khó hơn vì cách YouTube chấm điểm độ tin cậy và xử lý kênh mới”, một nhà sáng tạo có biệt danh GoldenHand đến từ Tây Ban Nha chia sẻ, người này từ chối tiết lộ tên thật.
Làm việc với một nhóm nhỏ, GoldenHand cho biết anh xuất bản tới 80 video mỗi ngày trên hệ thống kênh của mình. Một số video duy trì lượt xem ở mức vài nghìn, trong khi số khác có thể bất ngờ “gây bão” và đạt đến hàng triệu lượt xem – phần lớn đến từ nhóm khán giả trên 65 tuổi.
GoldenHand cho biết nội dung của anh thiên về kể chuyện bằng âm thanh. Anh mô tả video YouTube của mình như những cuốn sách nói được kết hợp với hình ảnh và phụ đề do AI tạo ra. Trừ khâu lên ý tưởng ban đầu, toàn bộ quy trình sản xuất đều do AI đảm nhiệm.
Gần đây, anh đã ra mắt nền tảng mới có tên TubeChef, cung cấp cho nhà sáng tạo quyền truy cập vào hệ thống tạo video AI không mặt của mình, với mức phí khởi điểm từ 18 USD mỗi tháng.
“Nhiều người nghĩ dùng AI thì sẽ kém sáng tạo hơn, nhưng tôi lại thấy mình sáng tạo hơn bao giờ hết”, anh GoldenHand nói. “Nghĩ ra 60 đến 80 ý tưởng video mỗi ngày không phải chuyện dễ. Khâu lên ý tưởng giờ mới là phần tốn công sức nhất”.
KỶ NGUYÊN “RÁC AI”
Khi nội dung do AI tạo ra ngày càng phổ biến trên mạng, lo ngại về tác động của chúng cũng ngày càng gia tăng. Một số người dùng lo sợ trước nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch, đặc biệt khi việc tạo ra video trông có vẻ thật nhưng hoàn toàn là sản phẩm của AI trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
“Ngay cả khi nội dung đó hữu ích, giải trí hay có giá trị thông tin, tôi cảm thấy chúng ta đang bước vào thời đại mà… bạn không thể biết được điều gì do con người tạo ra và điều gì không”, ông Henry Ajder, người sáng lập Latent Space Advisory – công ty tư vấn giúp doanh nghiệp định hướng trong kỷ nguyên AI – nhận định.
Một số khác thì bức xúc trước việc các nền tảng tràn ngập nội dung AI chất lượng thấp, sản xuất hàng loạt, thiếu đầu tư. Loại nội dung này thường được gọi là “rác AI” (AI slop) – là sản phẩm được tạo một cách ngẫu nhiên, thiếu trau chuốt bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
“Kỷ nguyên của nội dung rác là điều không thể tránh khỏi”, ông Ajder, hiện cũng là cố vấn chính sách AI cho Meta – công ty mẹ của Facebook và Instagram – nói thêm. “Tôi không chắc chúng ta có thể làm gì để ngăn lại”.
Mặc dù không phải là hiện tượng mới, sự gia tăng đột biến của dạng nội dung này đang khiến người dùng ngày càng chỉ trích vì khó tìm thấy nội dung có chiều sâu hoặc mang tính sáng tạo, đặc biệt trên các nền tảng như TikTok, YouTube hay Instagram.
Tuy vậy, những nhà sáng tạo nội dung AI cho biết vấn đề nằm ở quy luật cung – cầu. Khi nội dung do AI tạo ra vẫn nhận được lượt xem và tương tác lớn, không có lý do gì để họ ngừng sản xuất thêm, theo chia sẻ của Noah Morris, người sở hữu 18 kênh YouTube vô diện.