Zero Covid khiến Trung Quốc giảm hấp dẫn
Kết quả khảo sát cho thấy 23% doanh nghiệp châu Âu được hỏi đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc dự kiến ra khỏi Trung Quốc - mức cao nhất trong một thập kỷ trở lại đây...
Theo một báo cáo khảo sát về niềm tin của doanh nghiệp được công bố mới đây của Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc, các biện pháp phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt đẩy chi phí lao động tăng cao, kéo tụt tăng trưởng kinh tế và căng thẳng Mỹ-Trung là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động ở Trung Quốc.
Những bất ổn do các đợt phong tỏa gần đây tại nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc cũng khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu phải cân nhắc lại các khoản đầu tư trong tương lai tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Cách tiếp cận hà khắc của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn sự bùng phát của biến chủng Covid-19 Omicron cùng những tác động địa chính trị của cuộc chiến tranh ở Ukraine đã đẩy các doanh nghiệp châu Âu vào vòng xoáy biến động không ngừng”, báo cáo khảo sát niềm tin doanh nghiệp của EuroCham viết. “Tình hình hiện tại khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm hoãn các kế hoạch và một số có thể cân nhắc rút khỏi nếu sự thiếu chắc chắn này tiếp tục kéo dài, đặc biệt là khi các thị trường khác trở nên dễ đoán định hơn”.
Cuộc khảo sát nhanh của EuCham được thực hiện 372 doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc từ ngày 21-27/4 – thời điểm trung tâm thương mại Thượng Hải đang trong giai đoạn phong tỏa kéo dài 2 tháng. Kết quả khảo sát cho thấy 23% doanh nghiệp được hỏi đang cân nhắc chuyển các khoản đầu tư hiện tại hoặc dự kiến ra khỏi Trung Quốc. Tỷ lệ này nhiều gấp đôi so với kết quả ghi nhận được trong cuộc khảo sát tương tự được thực hiện vào tháng 2 và là mức cao nhất trong một thập kỷ trở lại đây.
Hơn 75% doanh nghiệp được hỏi nói rằng các biện pháp phòng chống Covid đã làm giảm sức hấp dẫn của Trung Quốc như một địa điểm đầu tư. Trong khi đó, hơn 30% đánh giá thị trường Trung Quốc kém hấp dẫn hơn do những căng thẳng địa chính trị.
Khoảng 69% doanh nghiệp được hỏi cho rằng Covid là thách thức lớn nhất đối với các công ty làm ăn tại Trung Quốc, tăng 5 điểm phần trăm so với khảo sát được thực hiện 1 năm trước. Nói về yếu tố gây áp lực lớn nhất với doanh nghiệp, khoảng 46% chọn chi phí lao động, trong khi đó 42% chọn suy giảm tăng trưởng kinh tế, 30% chọn những rào cản trong tiếp cận thị trường và 25% lo ngại về sự phân ly kinh tế.
Kết quả khảo sát từ EuroCham được đưa ra trong bối cảnh mối quan ngại về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn. Doanh thu bán lẻ tháng 5 của nước này đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ lên tới 18,4%.
Các quy định chống dịch Zero-Covid (Không Covid) đang gây sức ép lớn lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Trong 4 thập kỷ qua, doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò quan trọng đối với sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Bắc Kinh với nhiều đối tác thương mại hàng đầu xấu đi rõ rệt trong 2 năm qua.
Phòng Tương mại của Mỹ và Anh đều đã phát đi cảnh báo tương tự về tác động gây ra bởi những bất ổn liên quan tới Covid đối với niềm tin của doanh nghiệp.
EuroCham nói rằng việc làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc đã trở nên khó khăn hơn trong năm ngoái với 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát đưa ra đánh giá này – mức cao kỷ lục kể từ khi khảo sát bắt đầu được thực hiện.
Các doanh nghiệp châu Âu cũng nhận định môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đang ngày càng bị chính trị hóa với các vấn đề cố hữu như khả năng tiếp cận thị trường, sân chơi kinh doanh thiếu bình đẳng và sự thiếu hiệu quả của các quy định pháp lý.
Nhiều doanh nghiệp dự báo áp lực chính trị đối với hoạt động kinh doanh sẽ gia tăng sau khi Trung Quốc và EU áp đặt trừng phạt lẫn nhau liên quan tới vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Đã xảy ra nhiều cuộc tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các thương hiệu châu Âu, như H&M.
“Covid đã làm trầm trọng thêm sự thiếu chắc chắn, khi mà các doanh nghiệp không chắc liệu họ có phải ngừng hoạt động hay không nếu phát triện các ca nhiễm Covid. Vì vậy, rủi ro này đang thực sự đeo bám chúng tôi ở đây hàng ngày”, Bettina Schoen-Behanzin, Phó chủ tịch EuroCham tại Trung Quốc nói. “Điều này không có nghĩa là chúng tôi mong muốn hầu hết các thành viên EuroCham sẽ rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn, nhưng hình thức kinh doanh của họ đang thay đổi”.
Khảo sát mới nhất của EuroCham cũng cho thấy gần 70% doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc ghi nhận doanh thu tăng trong năm ngoái – tăng 22 điểm phần trăm so với một năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận trước lãi suất và thuế của họ cũng cải thiện với 4/5 doanh nghiệp được hỏi có kết quả khả quan.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã tổ chức hàng chục cuộc gặp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài các các phòng thương mại trong 2 tháng qua – động thái nằm trong nỗ lực ổn định thương mại và đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh. Nước này cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và ưu tiên việc khôi phục hoạt động của doanh nghiệp trên toàn quốc.
Klaus Zenkel, chủ tịch chi nhánh phía Nam Trung Quốc của EuroCham, cho biết 94% doanh nghiệp thành viên không có kế hoạch rời khỏi khu vực này dù chi phí sản xuất tăng lên.
“Hầu hết doanh nghiệp muốn thúc đẩy tối ưu tự động hóa và sản xuất tinh gọn trong tình hình hiện tại”, ông cho nói.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài được triển khai thực tế của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đạt 87,8 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.