58 địa phương đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng hợp kết quả thực hiện và đề xuất điều chỉnh của các địa phương. Hiện có 58/63 tỉnh đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ đến năm 2025...
Tại buổi làm việc với lãnh đạo 6 địa phương: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế về chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được giao; tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh trong Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025, Bộ đã có các công văn yêu cầu UBND các tỉnh thực hiện các yêu cầu kỹ thuật để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ vào các quy định pháp luật về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kết quả thực hiện, đề xuất nhu cầu của các địa phương, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 8/9/2023, Văn phòng Chính phủ có Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, trong đó yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình Quốc hội điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 tại kỳ họp tháng 10/2023.
Hiện nay, Bộ đã nhận được báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã tổng hợp kết quả thực hiện và đề xuất điều chỉnh của các địa phương.
Hiện có 58/63 tỉnh đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ đến năm 2025. Trong đó, đề xuất của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tập trung chủ yếu vào một số chỉ tiêu sử dụng đất như: đất trồng lúa, đất chuyên trồng lúa nước, đất lâm nghiệp, đất khu công nghiệp, đất phát triển hạ tầng, đất giao thông, đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao, đất công trình năng lượng.
Tuy nhiên, báo cáo và hồ sơ do các địa phương gửi về chưa làm rõ được nhu cầu, cơ sở pháp lý để đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, do kết quả thực hiện các chỉ tiêu của cả nước tính đến thời điểm hiện tại đạt thấp nên việc trình Quốc hội quyết định điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất theo hướng bổ sung chỉ tiêu của giai đoạn 2026-2030 về thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 cũng cần phải xem xét, cân nhắc đảm bảo các điều kiện trước khi trình.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, Bộ đề xuất phương án sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét theo thẩm quyền cho phép điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ.
Trước đó, qua tổng hợp báo cáo sơ kết 6 tháng của 63/63 địa phương, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu sử dụng đất đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, về đất trồng lúa, chỉ tiêu đến năm 2025, cả nước giảm 184.000ha, nhưng đến hết năm 2022 lại tăng 13.140ha.
Về đất rừng phòng hộ, chỉ tiêu đến hết năm 2025, cả nước tăng 53.400ha, nhưng đến hết năm 2022 chỉ tăng 2.090ha. Về đất giao thông, thực hiện đạt 10,74%; đất thể dục thể thao đạt 5,91%; đất khu công nghiệp đạt 3,61%; đất công trình năng lượng đạt 11,25%...
Trong khi đó, nhiều địa phương đề xuất điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025, chủ yếu tập trung vào đất trồng lúa, đất khu công nghiệp...
Qua tổng hợp số liệu đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 của các địa phương, đối với chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa, có 1 tỉnh đề xuất tăng 120ha và 29 tỉnh đề xuất giảm với diện tích là 90.781ha. Như vậy, đến năm 2025, cả nước còn 3,642 triệu ha, tiệm cận diện tích đất trồng lúa đến năm 2030 được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 39/2021/QH15 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm quốc gia (2021-2025) là 3,568ha.
Về chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp có 37 tỉnh, thành phố đề xuất tăng với diện tích 46.038ha, chỉ có 1 tỉnh đề xuất giảm 58ha. Còn về chỉ tiêu sử dụng đất giao thông, có 31 tỉnh đề xuất tăng với diện tích là 32.701ha và không có địa phương đề xuất giảm.