ACB lãi 700 tỷ từ trái phiếu chính phủ, dự kiến không thoái vốn ACBS
Hiện tại, ACB là một trong những ngân hàng đang nắm lượng trái phiếu chính phủ lớn
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) vừa tiền hành tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.
Phát biểu tại đại hội, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch ngân hàng cho biết, năm 2020 tiếp tục là một năm thành công của ACB về mặt tăng trưởng tài sản và giá trị đem lại cho cổ đông. Tổng tài sản của ACB đạt 445 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9%; vốn huy động 353 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%; dư nợ tín dụng 311 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9%; nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng ổn định ở mức 0,59%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt 9.596 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2019 và hoàn thành 126% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân (ROA) đạt 1,86%, cao hơn mức 1,69% của năm 2019. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 24,31%, tương đương mức của năm 2019.
Ngoài ra, ông Đỗ Minh Toàn, tổng giám đốc ACB, cũng cho biết ngân hàng này đã tận dụng cơ hội đầu tư và sinh lời 700 tỷ đồng từ kinh doanh trái phiếu chính phủ trong năm 2020.
"Giá trị trái phiếu chính phủ mà ACB đang nắm giữ là khoảng 60 nghìn tỷ đồng, là một trong những ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ lớn. Phía ngân hàng sẽ tận dụng cơ hội tùy theo diễn biến thị trường để tiếp tục đầu tư vào trái phiếu chính phủ", ông Toàn nói.
Riêng với trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, ông Đỗ Minh Toàn cho hay chủ trương của ACB là đẩy mạnh bán lẻ, do đó ngân hàng tập trung vào khách hàng cá nhân, thay vì tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp.
Tiết lộ thêm về kết quả kinh doanh trong quý 1/2021, lãnh đạo ngân hàng này ước tính lợi nhuận khoảng 3,1 nghìn tỷ đồng, tín dụng đạt 320 nghìn tỷ đồng và huy động đạt 352 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối quý 1/2021 ước tính 447 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Cũng tại đại hội, ACB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với mức thực hiện năm 2020. Tổng tài sản dự kiến tăng 10% lên hơn 488.000 tỷ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng dự kiến tăng 9%. Tín dụng kỳ vọng tăng 9%, tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 2%.
Bên cạnh đó, ACB dự kiến phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại. Dự kiến số lượng cổ phiếu sau khi phát hành là hơn 2,7 tỷ cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ hơn 27.019 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành phát hành tăng vốn là quý 3/2021.
Được biết, sau khi hoàn tất việc tăng vốn thì Dragon Financial Holdings Limited vẫn là cổ đông lớn duy nhất của ACB với tỷ lệ sở hữu 6,92%. Hiện room ngoại của ngân hàng này đã được lấp kín ở mức tối đa là 30% theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, về Công ty Chứng khoán ACBS, Chủ tịch ACB cho biết sẽ không thoái vốn khỏi đơn vị này mà tìm đối tác chiến lược để cùng xây dựng phát triển, có thể tăng vốn và tái cấu trúc.