Ant Group thiết lập mạng lưới liên minh thanh toán kỹ thuật số thống trị thế giới

Bảo Ngọc
Chia sẻ

Bằng cách hình thành quan hệ đối tác với các ví điện tử địa phương thay vì cạnh tranh khốc liệt, Alipay+ của Ant Group đã làm tốt sứ mạng kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp trên toàn cầu…

Hiện nay, thói quen thanh toán toàn cầu đang trong quá trình chuyển đổi từ các phương thức truyền thống như tiền mặt và thẻ tín dụng sang ví điện tử. Theo Báo cáo Thanh toán Toàn cầu năm 2022 của FIS Global, ví điện tử được thiết lập để trở thành phương thức thanh toán phổ biến nhất trong doanh số thương mại điện tử toàn cầu, chiếm 48,6% giao dịch vào năm 2021. Thanh toán bằng ví điện tử ngoại tuyến cũng đã đạt 29% và dự kiến sẽ vượt qua thẻ tín dụng vào năm 2025.

Một trong những đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng thanh toán này là Ant Group. Sau gần 20 năm mở rộng toàn cầu, Ant đã trở thành gã khổng lồ với giải pháp chuyển tiền xuyên biên giới Alipay+ nổi tiếng. Alipay+ hiện đang phục vụ hơn 2,5 triệu người bán trên toàn thế giới, kết nối trực tiếp các doanh nghiệp với hơn một tỷ người tiêu dùng.

Chiến lược kinh doanh ở nước ngoài của Ant Group bắt đầu tại Trung Quốc, sau đó chuyển sự chú ý sang Đông Nam Á và Châu Âu, nơi Ant giành được các đối tác và người tiêu dùng nhờ sức mạnh công nghệ của hãng.

TỪ ALIPAY ĐẾN ALIPAY+

Câu chuyện mở rộng toàn cầu thành công của Ant Group chia thành ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên, diễn ra từ năm 2003 đến 2013, Ant Group đã thành lập AliExpress và Trạm quốc tế Ali, cho phép "thanh toán toàn cầu" khi người tiêu dùng nước ngoài có thể sử dụng Alipay để mua hàng ở Trung Quốc. Giai đoạn thứ hai, kéo dài từ năm 2013 đến năm 2019, Ant Group bắt đầu quảng bá mạnh mẽ Alipay và bắt đầu xem xét đầu tư vào các dịch vụ ví điện tử ở nước ngoài. Giai đoạn thứ ba bắt đầu vào năm 2020, liên quan đến việc Ant Group tiếp tục thiết lập quan hệ đối tác giữa Alipay và các ví điện tử ở nước ngoài để cho phép thanh toán liền mạch.

Chiến lược của Ant Group rất đơn giản, đó là hướng đến mối quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi - tập đoàn mở rộng công nghệ và dịch vụ tại khu vực thị trường hướng đến, đồng thời cho phép các công ty ví điện tử địa phương tiếp thị sản phẩm rộng rãi. Kể từ năm 2015, Ant Group đã thiết lập hàng chục mối quan hệ đối tác với các hệ thống thanh toán kỹ thuật số trên khắp thế giới, bao gồm GCash ở Philippines, TNG Digital (thuộc công ty mẹ Touch 'N Go) ở Malaysia, TrueMoney ở Thái Lan, DANA ở Indonesia, Paytm ở Ấn Độ, bKash ở Bangladesh, Easypaisa ở Pakistan, Kakao Pay ở Hàn Quốc và Klarna ở châu Âu.

Những mối quan hệ đối tác này quan trọng hơn bao giờ hết trong thời đại mà ví điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Theo báo cáo Ví kỹ thuật số của Juniper Research, có tổng cộng 55 ví điện tử với giao dịch hàng năm đạt hơn 1 tỷ USD trên toàn thế giới vào năm 2021. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 69 vào năm 2025. Tuy nhiên, vì các ví điện tử này hoạt động độc lập nên việc thanh toán trực tuyến ở nước ngoài hay đi du lịch vẫn đang khá bất tiện. Còn Alipay+ cho phép người dùng giao dịch xuyên biên giới dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Đến tháng 4/ 2022, phương thức thanh toán Alipay+ đã được hơn 70.000 cửa hàng ở Đức, Áo, Malaysia và Hàn Quốc chấp nhận. Cùng tháng, Ant Group cũng ký một thỏa thuận trở thành cổ đông lớn của nền tảng thanh toán Singapore 2C2P.

TIỀM NĂNG TO LỚN TẠI THỊ TRƯỜNG ĐÔNG NAM Á

Ant Group đã thấy tiềm năng to lớn tại thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên các quốc gia ở khu vực này, ngoại trừ Singapore và Malaysia, có tỷ lệ sử dụng thẻ ngân hàng và thẻ tín dụng tương đối thấp. Những phát hiện trong Báo cáo Thanh toán Toàn cầu năm 2022 của FIS Global cho thấy Đông Nam Á là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới về ví điện tử: mức sử dụng ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines đã tăng hơn 311% và số lượng người dùng dự kiến sẽ vượt quá 440 triệu vào năm 2025.

Cơ sở chính sách của chính phủ các nước cũng thúc đẩy sự tăng trưởng này, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều tích cực phát triển ngành công nghiệp ví điện tử. Ngân hàng Indonesia đã phát hành hệ thống QRIS (Thanh toán bằng mã QR được tiêu chuẩn hóa) vào năm 2019, nhằm tạo ra một quy trình giao dịch thanh toán bằng mã QR đơn giản và hiệu quả. Vào năm 2020, chính phủ Malaysia đã đưa ra sáng kiến e-Tunai Rakyat trị giá 450 triệu MYR (khoảng 100,3 triệu USD) nhằm thúc đẩy ví điện tử từ các nhà cung cấp như Grab, Boost và TNG Digital.

Thị trường rộng lớn, nhu cầu ngày càng tăng và các chính sách hỗ trợ giúp Đông Nam Á trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho kế hoạch mở rộng tiếp theo của Ant Group. Tuy nhiên, thách thức với Ant cũng không hề nhỏ.

Vấn đề tiềm ẩn đầu tiên là tỷ lệ thâm nhập của ví điện tử. Báo cáo Thanh toán Toàn cầu FIS Global cho biết thêm rằng Indonesia, Thái Lan và Việt Nam có tỷ lệ thanh toán trực tuyến tương đối thấp với lần lượt là 51%, 63,4% và 53,8% giao dịch ngoại tuyến vẫn được thực hiện bằng tiền mặt. Thứ hai là sự cạnh tranh khốc liệt khi Ant Group phải đối mặt với các đối thủ không chỉ là startup mà còn cả các tổ chức tài chính truyền thống như ngân hàng.

Thứ ba, ngoài việc cạnh tranh với các nhà cung cấp ví điện tử khác, Ant còn phải đối mặt với những thách thức trực tiếp từ Tencent. Tencent đã có chiến dịch thử nghiệm ở Đông Nam Á từ tháng 3/2018 sau khi được cáp giấy phép thanh toán của bên thứ ba tại Malaysia. Vào tháng 10 cùng năm, Tencent đã đầu tư vào ví điện tử PayMaya của Philippines, cạnh tranh với Gcash do Ant hậu thuẫn tại thị trường địa phương. Tencent cũng đã mở rộng mạng lưới thanh toán thông qua các công cụ thanh toán của Shopee là ShopeePay và SeaMoney.

HẠ CÁNH Ở CHÂU ÂU

So với Đông Nam Á, nơi còn nhiều khoảng trống lớn cần lấp đầy, châu Âu đã thiết lập một thị trường thanh toán kỹ thuật số khá ổn định. Theo báo cáo Thanh toán Toàn cầu, thẻ ngân hàng vẫn thống trị thị trường châu Âu, nhưng các phương thức thanh toán mới nổi như ví điện tử và chương trình "mua trước, trả sau" đang bùng nổ do đại dịch toàn cầu và sự phát triển của thương mại điện tử.

Sự phát triển của thương mại điện tử ở châu Âu đã dẫn đến hệ quả các khoản thanh toán đa dạng hơn. Thống kê cho thấy việc sử dụng ví điện tử sẽ tiếp tục tăng. Vào năm 2021, tỷ lệ sử dụng ví điện tử trong tổng khối lượng giao dịch thương mại điện tử ở Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch lần lượt là 25%, 32%, 29%, 30% và 26%. Xu hướng thanh toán này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Một xu hướng đáng chú ý khác là hầu hết các quốc gia Châu Âu đều có phương thức thanh toán riêng đã thống trị thị trường địa phương và nhận được lòng trung thành từ người tiêu dùng. Sẽ là thách thức đối với Ant Group trong việc thay đổi thói quen thanh toán của người dùng địa phương. Tuy nhiên, Ant Group có thể nhắm mục tiêu đến khách du lịch Trung Quốc ở châu Âu và phát triển nhóm này thành cơ sở tiêu dùng lớn, thiết lập quan hệ đối tác với ví địa phương và thâm nhập thị trường.

Thực tế, điều này đã nằm trong tầm ngắm của Ant Group từ năm 2016. Alipay đã được áp dụng ở Paris Spring (Pháp), Harrods (Vương quốc Anh), Sân bay Munich (Đức), thương hiệu sành ăn Eataly (Ý), Làng Santa Claus (Phần Lan) và một số cơ sở bán lẻ, sân bay và nhà hàng phục vụ ăn uống khác. Khách hàng tại các cơ sở này hiện có thể sử dụng Alipay để thanh toán và hoàn thuế. Đến cuối năm 2016, tập đoàn cũng đã có chỗ đứng nhất định với các tổ chức tài chính và công ty công nghệ thanh toán như BNP Paribas, Barclays, UniCredit và SIX Payment Services, hợp tác để cùng nhau thúc đẩy thanh toán số ở châu Âu.

Ant Group cũng tạo cơ hội cho các nước châu Âu kết nối hệ thống thanh toán của riêng họ với phần còn lại của thế giới. Đầu năm 2022, San Marino trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tiếp cận giải pháp thanh toán toàn cầu Alipay+ của Ant. Động thái đã kết nối đất nước này với hơn 10 ví điện tử ở châu Á và hơn một tỷ người tiêu dùng.

Rõ ràng, chiến lược mở rộng quốc tế của Ant Group liên quan đến sự hợp tác hơn là cạnh tranh. Với liên minh phù hợp, hệ thống thanh toán này mang lại lợi ích cho các quốc gia và nền kinh tế trên toàn thế giới.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con