ASEAN+ dẫn đầu thế giới về mức độ áp dụng AI kết hợp với 68%
Mặc dù dẫn đầu trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp, nhưng ASEAN+ vẫn phải đối mặt với những thách thức về hiệu suất đầu tư (ROI) và quản trị…

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mở rộng (ASEAN+), bao gồm thêm Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc), đang dẫn đầu về mức độ áp dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp với 68%, vượt qua tất cả các khu vực trên toàn cầu, theo Tech Node Global.
Nghiên cứu do Lenovo thực hiện cùng IDC cũng chỉ ra rằng lãnh đạo doanh nghiệp và các Giám đốc Công nghệ (CIO) đang đẩy nhanh quá trình đầu tư AI theo hướng tập trung vào hiệu suất đầu tư. Cụ thể, chi tiêu cho AI tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 3,3 lần, trong khi tại ASEAN+ tăng 2,7 lần.
Mặc dù chi tiêu AI đang dần tăng, nhưng mức độ ứng dụng AI tại ASEAN+ vẫn ở giai đoạn đầu, với 47% tổ chức đang đánh giá hoặc lên kế hoạch triển khai AI trong vòng 12 tháng tới. Con số này thấp hơn mức trung bình của châu Á - Thái Bình Dương (56%) và toàn cầu (49%), với rào cản chính là khả năng đảm bảo hiệu suất đầu tư.
Singapore dẫn đầu khu vực với mức độ trưởng thành và cơ sở hạ tầng AI tiên tiến, trong khi một số quốc gia ASEAN+ khác vẫn đang ở giai đoạn đầu đổi mới do hạn chế về nguồn lực và chuyên môn.
Việc tạo ra lợi tức đầu tư từ AI là quá trình dài hạn, đòi hỏi sự cân bằng giữa thử nghiệm và dự án có khả năng mở rộng thực tế. Các tổ chức tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương kỳ vọng ROI trung bình cao khoảng 3,6 lần từ dự án AI, điều này đòi hỏi một chiến lược triển khai có tính toán kỹ lưỡng và năng lực nội bộ mạnh mẽ.
Tốc độ triển khai AI tại ASEAN+ khá thận trọng, chủ yếu tập trung vào tối ưu chuỗi cung ứng, tuân thủ quy định, nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đối mặt với một số thách thức liên quan đến quản lý data, đào tạo nhân lực AI và bảo mật dữ liệu.
Sự thay đổi trong kinh doanh qua từng năm cho thấy mức độ hiểu biết của doanh nghiệp khi thúc đẩy phát triển AI. Ngoài bài toán kinh doanh, doanh nghiệp ngày càng hiểu rõ về rủi ro AI. Một số vấn đề đạo đức và thiên vị thuật toán (bias) tiếp tục là rủi ro AI hàng đầu trong năm nay.
Theo thống kê, chỉ 24% doanh nghiệp trên toàn cầu và 25% doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương đã triển khai đầy đủ chính sách quản trị AI, rủi ro và tuân thủ (GRC – Governance, Risk, and Compliance). Điều này cho thấy còn nhiều lỗ hổng trong việc thiết lập quy chuẩn nhằm đảm bảo AI được sử dụng minh bạch và an toàn.
Tại ASEAN+, 24% Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) xác nhận triển khai đầy đủ các chính sách quản trị AI trong doanh nghiệp, mức này tương đồng với xu hướng toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Các ưu tiên kinh doanh tại châu Á - Thái Bình Dương đang thay đổi. Năm 2025, quản trị, rủi ro và tuân thủ (GRC) sẽ tăng 12 bậc để trở thành ưu tiên số một, nhấn mạnh nhu cầu về AI an toàn và có trách nhiệm", ông Sumir Bhatia, Chủ tịch Nhóm Giải pháp Hạ tầng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Lenovo, cho biết. "Năng suất lao động cũng tăng từ vị trí thứ 7 lên thứ 2, thể hiện tầm quan trọng ngày càng lớn của công nghệ".
GEN AI ĐỊNH HÌNH HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP
Theo nghiên cứu, Generative AI (GenAI) dự kiến chiếm 42% tổng ngân sách triển khai AI tại ASEAN+ vào năm 2025.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 65% tổ chức tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương lựa chọn giải pháp kết hợp hoặc tại chỗ (on-premise) để xử lý khối lượng công việc AI, nhằm đảm bảo bảo mật, độ trễ thấp và linh hoạt trong vận hành. Trong khi đó, 19% vẫn sử dụng dịch vụ đám mây công cộng.
Tại ASEAN+, xu hướng tương tự diễn ra với 68% tổ chức sử dụng GPU và CPU kết hợp hoặc tại chỗ, phần còn lại vẫn phụ thuộc vào đám mây công cộng.
"Trên toàn cầu, 63% tổ chức lựa chọn cơ sở hạ tầng kết hợp và tại chỗ cho AI, tuy nhiên ASEAN+ đang dẫn đầu với tỷ lệ áp dụng cao hơn", ông Kumar Mitra, Giám đốc Điều hành và Tổng Giám đốc Khu vực CAP & ANZ, Lenovo ISG, nhận định. "Điều này chứng minh khu vực đang tập trung vào đổi mới sáng tạo, đồng thời đảm bảo tính bảo mật và tuân thủ yêu cầu đặc thù của AI".
Trong khi đó, máy tính cá nhân tích hợp AI đang dần được chú ý tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với 43% tổ chức ghi nhận mức tăng đáng kể về năng suất.
Dù mức độ nhận thức đang tăng, việc áp dụng ở nhiều thị trường vẫn còn chậm. Tại ASEAN+, 65% tổ chức đang trong giai đoạn lập kế hoạch triển khai PC tích hợp AI. Khi công nghệ này hoàn thiện và chứng minh được hiệu suất đầu tư, xu hướng này sẽ phát triển mạnh, thúc đẩy các giải pháp văn phòng số.
Trong quá trình triển khai AI, 34% Giám đốc Công nghệ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 44% tại ASEAN+ tích cực sử dụng dịch vụ AI chuyên nghiệp để giải quyết thách thức liên quan đến quản lý dữ liệu, thiếu hụt nhân tài AI và tối ưu chi phí.
Ngoài ra, 56% Giám đốc Công nghệ tại ASEAN+ đang xem xét hoặc có kế hoạch sử dụng dịch vụ này trong tương lai gần. Sự hợp tác này giúp bù đắp khoảng trống về năng lực nội bộ, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân sự và xây dựng chiến lược AI dài hạn.
"Ứng dụng AI không chỉ là bài toán lợi ích ngắn hạn, doanh nghiệp cần đầu tư thiết kế, triển khai và tích hợp AI vào vận hành để có thể theo dõi và đánh giá hiệu quả. Hơn nữa, dịch vụ AI chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng, giúp tổ chức tiếp cận AI theo hướng tập trung vào kết quả", bà Fan Ho, Giám đốc Điều hành Nhóm Giải pháp & Dịch vụ Lenovo châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ.
Nghiên cứu được Lenovo thực hiện dựa trên khảo sát toàn cầu với hơn 2.900 người tham gia, bao gồm trên 900 nhà lãnh đạo công nghệ và doanh nghiệp từ 12 thị trường tại châu Á - Thái Bình Dương.