Bạn có biết: Khẩu quyết “ba xanh thì bỏ, ba đỏ thì đi” hiểu thế nào cho đúng?
Bạn là lái mới, mới được học “khẩu quyết” của các “tài già”, trong đó có câu “ba xanh thì bỏ, ba đỏ thì đi”. Hiểu câu này thế nào cho đúng là câu hỏi nhiều lái mới băn khoăn.
Câu nói “ba xanh thì bỏ, ba đỏ thì đi” ban đầu được cánh lái xe truyền tai nhau tức là khi đến ngã tư gặp đèn xanh còn một vài giây thì tốt nhất nên dừng lại không nên phóng nhanh cho kịp qua vì dễ bị mất tay lái cắt ngang khi đèn chưa xanh đã khởi hành. Và ngược lại, khi đang dừng chờ đèn đỏ, còn 3 giây thì có thể… xuất phát, khi đèn xanh bật cùng lúc vượt qua ngã tư là vừa.
Thực tế, vế đầu “ba xanh thì bỏ” được cho là chuẩn. Nhưng vế sau “ba đỏ thì đi” lại gây ra nhiều tranh cãi bởi hiện tại với hệ thống camera giám sát trên nhiều tuyến đường thì tài xế khả năng cao sẽ dính… phạt nguội.
Do đó, câu “khẩu quyết” này các tài mới chỉ nên áp dụng vế đầu đó là “ba xanh thì bỏ”. Vấn đề quan trọng là các tài mới cũng cần tìm hiểu kỹ, không nên máy móc áp dụng các câu nói bắt nguồn từ mác “kinh nghiệm”, “tay lái già”.
Quan trọng nhất là việc mỗi người lái xe dù là lái mới hay lái cứng cần phải duy trì được sự điềm tĩnh trước mỗi giao lộ. Đặc biệt, cần chấp hành đúng quy định về giao thông để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Theo quy định, không chỉ đèn đỏ mà gặp đèn vàng (trừ đèn vàng nhấp nháy) người điều khiển phương tiện cũng phải cho xe dừng trước vạch dừng. Vượt đèn vàng được xem là hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông tương tự vượt đèn đỏ.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với từng loại phương tiện được quy định như sau:
1. Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với mô tô, xe gắn máy
Theo điểm e, khoản 4, điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
2. Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với ô tô
Theo điểm a Khoản 5, điểm b, c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; Đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
3. Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Theo điểm đ Khoản 5, điểm a, b Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm d Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 4 tháng nếu gây tai nạn.