"Bão giá" lương thực toàn cầu sẽ còn kéo dài và tiếp tục tăng mạnh
Giá lương thực toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao...
Báo cáo ngành nông nghiệp mới công bố bởi Chứng khoán VnDirect cho biết, giá lương thực toàn cầu đã tăng tháng thứ 10 liên tiếp.
Theo tổ chức Lương thực Quốc tế (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng 2,1% trong tháng 3/2021 và ở mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2014. Nguồn cung bị gián đoạn, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đồng Đô la Mỹ suy yếu có thể là nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao gần đây.
Cụ thể, chỉ số một vài lương thực chính như giá dầu thực vật đã tăng 8,0% so với tháng trước, đạt mức cao nhất trong gần 10 năm do giá dầu cọ, đậu nành, hướng dương tăng. Giá dầu cọ quốc tế ghi nhận mức tăng ở tháng thứ 10 liên tiếp do lo ngại về sản lượng tổn kho thấp của các nước xuất khẩu chính cùng với sự phục hồi của nhu cầu nhập khẩu toàn cầu. Trong khi đó, giá dầu đậu nành tăng mạnh, phần lớn được thúc đẩy bởi triển vọng về nhu cầu tăng cao của doanh nghiệp, đặc biệt là từ lĩnh vực dầu nhiên liệu sinh học.
Giá bơ quốc tế tăng, chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn cung eo hẹp ở châu Âu do mùa sản xuất sữa bắt đầu chậm và nhu cầu nội bộ tăng với dự đoán ngành dịch vụ thực phẩm sẽ phục hồi.
Giá sữa bột cũng tăng, được hỗ trợ bởi nhu cầu nhập khẩu từ châu Á tăng cao (đặc biệt là Trung Quốc), do lo ngại về những thách thức nguồn cung yếu trong bối cảnh sản lượng sữa giảm theo mùa ở châu Đại Dương và khan hiếm container vận chuyển ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo USDA, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu lúa mì và ngô ở mức cao ước tính lần lượt là 8,5 triệu tấn và 16,5 triệu tấn trong niên vụ 2020/21, để phục vụ hoạt động tái đàn sau Dịch tả lợn châu Phi và đây cũng là nguyên nhân chính đẩy giá ngũ cốc tăng vọt trong 8 tháng liên tiếp.
Đối với mặt hàng đường, giá đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng kinh tế toàn cầu phục hồi nhờ vắc xin Covid-19 và nguồn cung thấp ở Thái Lan và Brazil. Trong niên vụ 2020/21, sản lượng đường của Thái Lan dự kiến sẽ giảm xuống 70 triệu tấn so với mục tiêu 75 triệu tấn do hạn hán và người dân trồng mía bị ảnh hưởng bới dịch Covid-19.
Mặt khác, Brazil cũng đang trải qua điều kiện thời tiết khô hạn và khắc nghiệt hơn, dẫn đến sản lượng đường trong niên vụ 2020-21 sẽ sụt giảm.
"Giá lương thực toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao...", báo cáo nhấn mạnh.
VnDirect nhìn nhận, giá lương thực tăng cao sẽ khiến các công ty sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn và thịt của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.
Hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam phải nhập khẩu sữa bột, ngũ cốc và dầu để sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi và dầu ăn. Do đó, các nhà sản xuất này sẽ gặp phải thách thức về chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn. Giá thức ăn chăn nuôi tăng có ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất thịt trong khi giá lợn hơi được dự báo sẽ giảm 19% vào năm 2021, so với mức cao trong giai đoạn dịch Tả lợn Châu Phi.
Ở chiều ngược lại, các công ty sản xuất gạo và đường, phân bón được hưởng lợi. Giá gạo và đường tại Việt Nam đã tăng 18,6%/31,8% so với đầu năm theo giá lương thực thế giới. Các công ty sản xuất gạo và đường được kỳ vọng sẽ mở rộng biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành đường còn được hưởng lợi từ quyết định mới về thuế chống bán phá giá.
Các công ty phân bón cũng được hưởng lợi gián tiếp từ nhu cầu tăng cao do nông dân tăng sản xuất để tận dụng xu hướng giá lương thực tăng.