Bất cập xác định thời điểm tính tiền sử dụng đất
Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, một sự thật khách quan của vụ án là quá khó để hiểu và rất dễ để sai áp dụng quy định pháp luật về thời điểm tính tiền sử dụng đất...
Vụ án “thất thoát” đất vàng ở Bình Dương đang được cơ quan tố tụng làm rõ các hành vi sai phạm của những cá nhân liên quan đến việc áp thuế đất năm 2006 để tính tiền sử dụng đất năm 2012 cho Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (còn gọi là Tổng công Ty 3-2, mã PRT). Có nhiều ý kiến tranh luận về bất cập pháp lý về thời điểm tính tiền sử đụng đất.
TRANH CÃI VỀ CÔNG VĂN ÁP ĐƠN GIÁ ĐẤT “LỆCH PHA”
Theo cáo buộc, năm 2005, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận giao 563,24ha đất dịch vụ trong khu liên hợp cho PRT để thực hiện các dự án như sân golf, trung tâm thương mại, khu nhà ở, trung tâm giải trí thể thao quốc tế… Ngày 1/6/2006, Ban quản lý dự án Khu liên hợp đã bàn giao các mốc ranh giới đất.
Ngày 27/12/2006, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định số 5853 về việc phê duyệt đơn giá đất bình quân là 51.914 đồng/m2. Việc đền bù giải phóng mặt bằng đến năm 2010 mới hoàn thành. Năm 2012, PRT có đơn xin giao đất.
Căn cứ thủ tục, trình tự giao đất, Cục thuế tỉnh Bình Dương thụ lý hồ sơ, soạn thảo văn bản đề xuất với UBND tỉnh Bình Dương cho áp đơn giá 51.914 đồng/m2 cho khu đất 43ha và 145ha. Vào thời điểm trên, ông Trần Văn Nam là phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách lĩnh vực đất đai đã ký văn bản số 3444 đồng ý áp giá đất trên.
Theo Viện kiểm sát, hành vi của các bị cáo đã làm trái quy định tại khoản 4, Điều 56 Luật Đất đai năm 2003; điểm a,c khoản 2 Điều 2 Nghị định 120/2010/NĐT NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 về thu tiền sử dụng đất, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 760 tỷ đồng.
Bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Lâm (Trưởng phòng kinh tế UBND tỉnh Bình Dương), luật sư Trần Minh Hải cho rằng, theo khoản 1, Điều 2, Nghị định 120 thì giá đất để tính tiền sử dụng đất chỉ có thể xuất phát từ một quy định hoặc một quyết định cụ thể của UBND Cấp tỉnh. Còn công văn 3444 chỉ là văn bản hành chính, mang tính thư tín, không phải là văn bản quyết định.
Mặt khác, khi Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành Thông báo nộp lệ phí trước bạ thì căn cứ xác định tiền sử dụng đất là theo quyết định 5853 của UBND tỉnh Bình Dương, không phải là Công văn 3444.
Còn theo luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Nam), nội dụng công văn 3444 chưa phản ánh hết việc bàn giao đất rải rác qua các năm.
BẤT CẬP XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM TÍNH TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Theo luật sư Trần Minh Hải, vụ án này phát sinh sự bất cập trong việc hiểu và áp dụng quy định pháp luật. Hồ sơ vụ án thể hiện, từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh Bình Dương chỉ có một lần bàn giao đất thực tế cho PRT. Còn theo khoản 1, Điều 2, Nghị định 120, khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất tính tiền sử dụng đất thuộc một trong hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Là giá đất tại thời điểm có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp 2: Là giá đất tại thời điểm bàn giao đất thực tế trong trường hợp thời điểm bàn giao đất không đúng với thời điểm ghi trong quyết định giao đất.
Sự bất cập ở đây là quy định trên không nêu rõ về thời điểm bàn giao đất thực tế phải xảy ra trước hay sau thời điểm ghi trong quyết định giao đất.
Cũng theo luật sư Hải, Thông tư số 93/2011/TT-BTC ngày 29/6/2011 của Bộ Tài chính được ban hành để hướng dẫn Nghị định số 198, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 120 cũng không có nội dung nào xác định rõ ràng thời điểm bàn giao đất thực tế.
Chính sự không rõ ràng này đã tạo hệ quả pháp lý là các sở, ban, ngành tại Bình Dương hiểu rằng có thể áp dụng thời điểm bàn giao đất thực tế vào năm 2006 để áp giá đất năm 2012.
Tại Báo cáo kiểm toán ngày 15/8/2017, Kiểm toán Nhà nước cũng hiểu và công nhận việc bàn giao đất ngày 1/6/2006 là bàn giao thực tế. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng công ty 3-2 phải nộp thêm 200,9 tỷ đồng do thuộc trường hợp dự án có thời gian giải phóng mặt bằng từ 2 năm trở lên và việc bàn giao đất thực tế được thực hiện theo từng năm. Cách hiểu và áp dụng quy định pháp luật của Kiểm toán Nhà nước cho thấy việc bàn giao đất thực tế có thể diễn ra trước thời điểm ghi trong quyết định giao đất.
Ngoài ra, kết luận giám định tư pháp không nêu rõ ràng việc bàn giao đất có thể diễn ra trước thời điểm ghi trong quyết định giao đất hay không.
“Một sự thật khách quan của vụ án là quá khó để hiểu và rất dễ để sai áp dụng quy định pháp luật về thời điểm tính tiền sử dụng đất. Khi một quy định pháp luật tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí dẫn đến cách hiểu sai thì đó là bất cập pháp lý”, luật sư Hải trình bày và đề nghị giảm mức độ sai phạm của bị cáo Lâm và các bị cáo khác trong vụ án này.
Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng thời điểm bàn giao đất thực tế có sai khác với thời điểm ra quyết định giao đất. Tại văn bản đề xuất của Cục thuế thể hiện rõ: “UBND tỉnh giao đất cho Tổng công ty theo nhiều đợt trong khi tiền bồi thường và xây dựng cơ sở hạ tầng công ty đã nộp đủ”. Như vậy, đất đã được bàn giao thực tế theo nhiều đợt và UBND tỉnh từng có quyết định phê duyệt đơn giá đất bình quân cho Khu Dịch vụ.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận, tại thời điểm ban hành các văn bản này đã rất lúng túng khi hệ thống pháp luật không đầy đủ, không có quy định cụ thể; vào thời điểm đó với những thực tế vướng mắc về việc giao đất diễn ra khiến các bị cáo gặp rất nhiều khó khăn.