Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei mở rộng dịch vụ đám mây AI tại Châu Á-Thái Bình Dương
Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là một trong những thị trường lớn nhất của Huawei, đóng vai trò bệ phóng cho một số sản phẩm đám mây nhất định…
Mới đây, trong một buổi họp báo tại Bangkok, Chủ tịch Thị trường và Dịch vụ toàn cầu của Huawei Cloud, bà Jacqueline Shi đã cho hay về một bản phác thảo kế hoạch của gã khổng lồ công nghệ này. Theo đó, họ sẽ cung cấp nhiều giải pháp AI hơn bao gồm Dịch vụ đám mây Ascend, nền tảng phát triển AI ModelArts và mô hình ngôn ngữ lớn Pangu (LLM), hoạt động tương tự như ChatGPT.
Chiến lược của công ty tập trung vào các dịch vụ đám mây công cộng và đã tăng trưởng đáng kinh ngạc gấp 20 lần trong khu vực trong bốn năm qua.
Hiện nay, Huawei Cloud đang hợp tác với các nhà dự báo thời tiết Thái Lan để áp dụng Pangu LLM, trong khi các ngành khác như tài chính đang tìm cách tăng hiệu quả và giảm chi phí bằng cách sử dụng AI.
Cách tiếp cận tập trung vào AI này chứng minh cam kết của Huawei trong việc đa dạng hóa các nguồn doanh thu và thu hút nhiều khách hàng quốc tế hơn, ngay cả khi công ty vẫn nằm trong danh sách đen của chính phủ Mỹ.
Huawei đã xoay xở để đạt được những bước tiến đáng kể trong AI. Bộ xử lý và khuôn khổ do chính công ty tự phát triển cho phép công ty này tránh được các hạn chế đối với công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ. Tại Trung Quốc đại lục, chip AI Ascend của Huawei hiện là một giải pháp thay thế khả thi cho các đơn vị xử lý đồ họa bị hạn chế từ Nvidia
Bên cạnh đó, bà Jacqueline Shi cũng chia sẻ thêm rằng, thị trường Châu Á-Thái Bình Dương là một trong những thị trường lớn nhất của Huawei về dịch vụ điện toán đám mây. Khu vực này đã đóng vai trò là nơi thử nghiệm một số sản phẩm đám mây nhất định, chẳng hạn như giải pháp "cơ sở dữ liệu không máy chủ" của công ty trước khi được triển khai trên toàn cầu.
Sự mở rộng toàn cầu của Huawei vẫn tiếp tục với các lần ra mắt gần đây tại Ai Cập vào tháng 5/2024 và trước đấy là Ả Rập Xê Út vào tháng 9/2022 để cung cấp dịch vụ đám mây công cộng tại địa phương.
Với lần ra mắt gần nhất tại Ai Cập, việc Huawei cung cấp dịch vụ đám mây công cộng nhằm mục đích cung cấp dịch vụ sáng tạo, đáng tin cậy, an toàn và linh hoạt cho người dùng cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ và đóng vai trò là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng.
Cùng với đó, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này cũng phát hành mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Ả Rập (LLM) mới để hỗ trợ các công ty trong khu vực chuyển đổi số theo ngành dọc. Dịch vụ nhận dạng giọng nói tự động (ASR) hỗ trợ các chức năng bao phủ hơn 20 quốc gia nói tiếng Ả Rập, với tỷ lệ chính xác đạt 96%. Đây là LLM tiếng Ả Rập đầu tiên có 100 tỷ tham số do AI hỗ trợ.
Mô hình đã được đào tạo bằng dữ liệu tiếng Ả Rập bản địa để đảm bảo hiểu chính xác về văn hóa, lịch sử, phong tục kiến thức và nhiều thứ khác của thế giới Ả Rập. Là một phần quan trọng trong nỗ lực của mô hình Pangu của Huawei Cloud nhằm hỗ trợ các ngành dọc có khả năng AI, việc đào tạo mô hình dựa trên các tập dữ liệu ngành bao gồm năng lượng kỹ thuật số, dầu khí và tài chính trong số các lĩnh vực khác.
Vào lúc đó, Huawei tuyên bố sẽ đầu tư 200 triệu USD để hỗ trợ 200 đối tác phần mềm địa phương, trao quyền cho 1.300 đối tác kênh và xây dựng hệ sinh thái phần mềm và ứng dụng địa phương thịnh vượng.
Theo công ty nghiên cứu Canalys, Huawei hiện được xếp hạng là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn thứ hai tại Trung Quốc đại lục, sau đơn vị đám mây của Alibaba Group Holding.
Điện toán đám mây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất của Huawei vào năm 2023. Theo báo cáo thường niên mới nhất của công ty, doanh thu của mảng kinh doanh này tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước lên 55,29 tỷ NDT (7,6 tỷ USD).
Khi nhu cầu về dịch vụ AI tổng quát ngày càng tăng trong các ngành công nghiệp truyền thống, chiến lược tập trung vào AI của Huawei giúp công ty tận dụng tốt các cơ hội ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn nữa.