Bắt đầu một chu kỳ mới, chính sách tài khóa nên giảm liều lượng hỗ trợ

Ánh Tuyết
Chia sẻ

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chính sách tài khoá mở rộng trợ lực tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, cho rằng bước sang năm 2025 bắt đầu một chu kỳ mới, do đó cần giảm liều lượng hỗ trợ...

Hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương). Ảnh: Việt Dũng.
Hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương). Ảnh: Việt Dũng.

Hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cùng một số đơn vị liên quan tổ chức ngày 23/8 tại Hà Nội và phát sóng vào 13h ngày 26/8 trên các nền tảng của VnEconomy. 

Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham vấn ý kiến các bên liên quan và chuyên gia nhằm có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế (Nghị quyết số 39).

THU NGÂN SÁCH VƯỢT DỰ TOÁN NHIỀU NĂM DÙ KINH TẾ KHÓ KHĂN

Theo mục tiêu đối với nguồn tài lực tại Nghị quyết 39/NQ-TW, đến năm 2025, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành và đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước; hoàn thành di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.

Cùng với đó, đến năm 2025 mức dự trữ quốc gia đạt 0,8-1% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP. 

Làm rõ một số kết quả nổi bật về lĩnh vực ngân sách nhà nước khi triển khai Nghị quyết 39, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước đã góp phần tích cực triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.

Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước được tăng cường, đẩy mạnh chống thất thu, rà soát các nguồn thu trên địa bàn, quản lý thuế đối với 100% doanh nghiệp. 

Theo ông Quỳnh, trong giai đoạn 2021-2023, tuy tình hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn song tổng thu ngân sách nhà nước có kết quả tích cực, đảm bảo ổn định kinh tế xã hội. Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng kiên trì thực hiện chính sách tài khoá mở rộng, những chính sách được ban hành đi vào cuộc sống, tạo tác động tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó, phát triển ổn định.

"Giai đoạn này, thu ngân sách đều vượt dự toán. Năm 2021, thu ngân sách vượt 233.000 tỷ đồng, 2022 vượt 406.000 tỷ đồng và năm 2023 vượt khoảng 133.000 tỷ đồng", Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính nói.

Cùng với đó, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ dự toán đầu năm và trong quá trình điều hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước.

Kết thúc năm 2023, thu ngân sách nhà nước đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, bằng 108,2% dự toán, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều thu vượt dự toán, qua đó đảm bảo đủ nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh. Bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,6 - 3,7% GDP, thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định là 4,42% GDP.

 

"Chính sách tài khoá mở rộng chỉ nên thực hiện đến hết năm nay. Bắt đầu từ năm 2025 mở ra một chu kỳ mới, chúng tôi không đề cập đến việc thắt chặt chính sách tài khoá mà khi một chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh mới bắt đầu, khi doanh nghiệp trở lại bình thường sẽ điều chỉnh chính sách trở lại bình thường. Chẳng hạn, trước đây giảm thuế giá trị gia tăng 10% về mức 8%, nay quay trở lại 10%. Đây là những vấn đề, quan điểm cần có sự đồng thuận".

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính).

Dẫn chứng một số quốc gia thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt từ rất lâu, ông Quỳnh nêu rõ Singapore tăng thuế hàng hoá, dịch vụ từ 7% lên 8% năm 2023 và lên 9% 2024, hay Cộng hòa Séc năm 2024 tăng thuế thu nhập doanh nghiệp.

"Một số các quốc gia khác thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, vì vậy, chính sách tài khoá của Việt Nam từ năm 2025 sẽ cố gắng trở lại như bình thường", ông Quỳnh nêu rõ.

NHỮNG THÁCH THỨC, RỦI RO CẦN LƯU TÂM

Đề cập đến triển vọng và thách thức đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam thời gian tới, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn, rủi ro bất ổn.

Thứ nhất, căng thẳng, rủi ro do xung đột vũ trang, rủi ro chính trị, địa chính trị trên toàn cầu từ các cuộc chiến tranh Ukraine- Nga, cuộc chiến ở Trung Đông hay phong trào Houthi.

Thứ hai, áp lực trả nợ công của nhiều nước trên thế giới ở mức cao ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế, đặc biệt Mỹ, Nhật Bản.

Thứ ba, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước và giữ lãi suất cao dài hơi.

Thứ tư, xu thế bảo hộ thương mại tăng lên để bảo vệ của các nền sản xuất trong nước. Các quốc gia lớn như Mỹ tăng thuế đối với rất nhiều mặt hàng từ Trung Quốc. Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu.

Thứ năm, sự phát triển mạnh mẽ của các liên minh công nghệ.

Thứ sáu, định chế tài chính toàn cầu có sự suy yếu, các nước cũng có những động thái trừng phạt như đẩy Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu.

Thứ bảy, rủi ro về an ninh phi truyền thống như các vấn đề về tị nạn, biến đổi khí hậu, môi trường, nước biển dâng cao, sự bùng nổ dân số. Đây cũng là một trong số những thách thức trong thời gian tới.

Thứ tám, tụt hậu kinh tế của các nước phát triển do không tự chủ về công nghệ và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Các đại biểu thảo luận Nghị quyết số 39-NQ/TW . Ảnh: Việt Dũng. 
Các đại biểu thảo luận Nghị quyết số 39-NQ/TW . Ảnh: Việt Dũng. 

Dù vậy, theo ông Quỳnh, kinh tế thế giới thời gian tới cũng có triển vọng tích cực. Tại Mỹ, tăng trưởng quý 1/2024 đạt khoảng 1,4% và quý 2/2024 đạt khoảng 2,8%. Đối với các nước như: Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan cũng có sự cải thiện tích cực

Kinh tế Việt Nam trong thời gian qua cũng đạt được những kết quả tích cực và các tổ chức quốc tế cũng có những dự đoán tích cực vào kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) nâng cao dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 và dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,5% trong 2024 và tiếp tục nằm trong một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới..

"Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức như thị trường vốn, thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và ảnh hưởng đến hiệu quả về sử dụng vốn, sức ép, về tỷ giá, lạm phát... cũng một trong những vấn đề", ông Quỳnh nêu rõ.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, đánh giá cao kết quả các chính sách hỗ trợ giúp kinh tế phục hồi khá nhanh, thất nghiệp giảm, an ninh xã hội đảm bảo hơn. Tuy nhiên, với chính sách tài khóa, khâu thực thi các chương trình, chính sách hỗ trợ còn chậm. Thể chế, pháp luật về đầu tư công, đầu tư, PPP chưa thực sự đồng bộ, thống nhất, đôi khi đa mục tiêu hoặc không rõ mục tiêu.

Cùng với đó, hiệu quả đầu tư khu vực Nhà nước còn thấp, giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chương trình, gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi 2022-2023 còn chậm và không đồng đều.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con