Bất động sản công nghiệp hấp dẫn nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Những năm gần đây, bất động sản công nghiệp được đánh giá là điểm sáng của thị trường Việt Nam khi thu hút được lượng lớn đầu tư nước ngoài cùng với tiềm năng và sức hấp thụ tốt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lĩnh vực này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức…
Chỉ số rủi ro về kinh tế của Việt Nam hiện thấp hơn các thị trường mới nổi khác như Myanmar, Bangladesh, Laos, Cambodia hay Malaysia (theo Oxford Economics). Thêm vào đó, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, lợi thế về nguồn cung lao động và cơ hội xuất khẩu lớn sang thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, mặc dù các yếu tố bất lợi về địa chính trị trên thế giới, kinh tế nội địa được kỳ vọng tiếp tục giữ ổn định nhờ sức tiêu thụ trong nước. Đây là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam…
CẦN CẢI THIỆN VỀ TRÌNH ĐỘ LAO ĐỘNG VÀ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Mặc dù vậy, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Công Nghiệp, Savills Hà Nội cho rằng thị trường bất động sản công nghiệp vẫn tồn tại một số thách thức dài hạn về lao động có tay nghề và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt đối với khách thuê.
“Việt Nam có lực lượng lao động lớn, nhiều khoản đầu tư sản xuất mới và nền kinh tế đang tiến lên chuỗi giá trị nhưng vẫn thiếu nguồn cung lao động có tay nghề cao. Vì vậy, khi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Chính phủ cũng phải đảm bảo chất lượng và số lượng lao động có tay nghề cao không quá chênh lệch so với các thị trường trong khu vực. Để cải thiện chất lượng lao động, Việt Nam cần tập trung vào áp dụng khoa học – công nghệ và cải thiện nguồn nhân lực chất lượng để thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Đến nay, Chính phủ Việt Nam cũng đang cho thấy nhiều nỗ lực trong cải cách hệ thống giáo dục nhằm nâng cao tay nghề lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việt Nam đã vạch ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 đến năm 2030 nhằm cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận đào tạo. Song, đây không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều.”, ông Thomas nhận định.
Bên cạnh đó, về cơ sở hạ tầng, khu vực phía Nam đang rất cần được cải thiện mạng lưới giao thông, đặc biệt là đường bộ. Vào đầu tháng 1/2023, 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam đã được khởi công đồng loạt. Dự án có tổng chiều dài 729km, đi qua 15 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 147 nghìn tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển quan trọng, kết nối các tỉnh và mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương quan với các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước đã chi khá lớn để phát triển cơ sở hạ tầng (5,8% tổng GDP). Tuy nhiên các dự án về đường cao tốc, cảng nước sâu và cảng dịch vụ cần được cải thiện thêm. Cải thiện cơ sở hạ tầng cũng là một yêu cầu bắt buộc để thu hút đầu tư với hệ thống giao thông tiện lợi hơn”, đại diện Savills nhìn nhận.
KỲ VỌNG SỰ THAM GIA CỦA VIỆT NAM VÀO CHUỖI CUNG ỨNG THẾ GIỚI SẼ RÕ NÉT HƠN
Từ góc độ là nhà đầu tư nước ngoài, ông Kim Ki Moon, Giám đốc YSL Investment (thuộc tập đoàn YSL Group) đánh giá: Thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam đầy tiềm năng và giàu sức cạnh tranh. So với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân công dồi dào. Việt Nam cũng có nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với những yếu tố đó, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn sẽ là thị trường sáng, thu hút đầu tư và còn phát triển nữa trong tương lai.
"Tuy nhiên, các nhà đầu tư khi đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể là thủ tục đền bù khá phức tạp và khó hiểu hơn thị trường khác, làm kéo dài thời gian của các nhà đầu tư. Trong quá trình đầu tư, nếu có sai sót gì thì ảnh hưởng rất nặng nề về sau. Bởi vậy, chúng tôi rất cảm ơn nếu Chính phủ Việt Nam có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư trong công tác đền bù hoặc rõ ràng hơn về mặt quy trình. Như vậy, Việt Nam cũng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn...", ông Kim Ki Moon chia sẻ thêm.
Qua thực tế hoạt động, ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành miền Bắc Frasers Property Vietnam cũng cho biết: Trong quá trình triển khai các dự án tại Việt Nam, ở phía Bắc, Frasers Property không gặp khó khăn gì nhiều. Tuy nhiên, trong Nam, chúng tôi gặp một số vấn đề về mặt thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng, cũng như các vấn đề liên quan đến đất đai. Song, đến nay, Chính quyền các địa phương cũng đã rất nỗ lực tạo điều kiện cũng như hỗ trợ Frasers Property Vietnam hoàn thành các thủ tục đó.
Theo ông Dương, nhu cầu về bất động sản công nghiệp, bao gồm đất khu công nghiệp, hạ tầng khu công nghiệp, nhà xưởng, nhà kho xây sẵn… phục vụ cho sự dịch chuyển chuỗi cung cứng sản xuất từ phía bên Trung Quốc và mở rộng từ phía bên Trung Quốc sang Việt Nam là rất lớn. Việt Nam cũng đang trở thành lựa chọn đầu tiên của các nhà sản xuất nước ngoài, đến từ khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ.
“Chúng tôi hy vọng, Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ, khuyến khích về mặt đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư về sản xuất, về công nghiệp mới ở Việt Nam trong thời gian tới. Như vậy thì, sự phát triển công nghiệp cũng như tham gia vào sản xuất, vào chuỗi cung ứng thế giới của Việt Nam sẽ rõ nét hơn”, ông Dương bày tỏ.
Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, hiện cả nước có 563 khu công nghiệp với tổng diện tích 210.900ha. Số khu công nghiệp đã công bố đi vào hoạt động là 406, trong đó, 361 dự án nằm ngoài khu kinh tế, và 37 dự án thuộc khu kinh tế và 08 dự án nằm trong khu kinh tế cửa khẩu.