Bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng vẫn ngại "va chạm"
Phần lớn người tiêu dùng vẫn có tâm lý ngại "va chạm", nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình
Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời được trên 7 năm (có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, nhưng thời gian qua, thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn biến ngày một phức tạp. Còn tâm lí tránh phiền phức, ngại đòi hòi đã khiến nhiều người Việt tặc lưỡi bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình.
Từng là nạn nhân của hàng giả, hàng kém chất lượng, anh Lê Sỹ ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, đã hào hứng khi mua một chiếc búa trên trạng mạng có địa chỉ tại Tp.HCM. Chiếc búa như hình ảnh cũng như video trên trang web rất tốt và nhiều công dụng. Nhưng anh đã "sốc" khi nhận sản phẩm. Anh liên hệ với cửa hàng nhận được lời hứa hẹn rồi biệt tăm không liên lạc được. Còn trang web thì hoàn toàn không vào được nữa. Rất bức xúc với thái độ bán hàng nhưng anh Sỹ không biết đòi hỏi quyền lợi của mình ở đâu?
Đây chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện như thế này, bởi nua hàng trực tuyến trên mạng đang dần trở nên phổ biến. Bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại, không ít người tiêu dùng đã phải "ngậm trái đắng" bởi những trang bán hàng kém chất lượng, làm ăn chộp giật.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, phần lớn người tiêu dùng vẫn có tâm lý ngại va chạm, nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Còn việc giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng không thành công là do người tiêu dùng không đủ chứng cứ quyền lợi bị xâm hại, hoặc đưa ra đòi hỏi đền bù quá mức. Hơn nữa, chính bản thân những người thực thi pháp luật chưa thực sự sát sao vào cuộc hoặc vào cuộc quá chậm trễ… khiến người tiêu dùng thiếu niềm tin vào cơ quan, chính quyền.
Thời đại thông tin bùng nổ cũng là lợi thế đối với người tiêu dùng nhưng tận dụng phải biết chọn lọc. Ông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo, nếu mua hàng trên trang thương mại điện tử thì nên tìm hiểu thông tin trên cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương, tại đây có đăng danh sách các website thương mại điện tử có vi phạm pháp luật, danh sách các website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật, danh sách thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử.
Đề cập đến vấn đề người tiêu dùng cần phải bảo vệ mình như thế nào, các luật sư đều cho rằng, người tiêu dùng cần phải tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua sắm hàng hóa hay các trung tâm thương mại lớn…bởi ở đó, khi người tiêu dùng mua sản phẩm việc truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thông qua các con tem, chíp điện tử rất dễ dàng. Đặc biệt, khi mua hàng người tiêu dùng cũng sẽ nhận được hóa đơn mua hàng, phiếu bảo hành, bảo dưỡng đầy đủ…Bên cạnh đó, khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng thì ngay lập tức người tiêu dùng phải lên tiếng.
Trả lời cho câu hỏi ai có thể bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, Luật sư Đào Đăng Sơn , Đoàn luật sư Tp. Hà Nội cho rằng, người tiêu dùng lên mạng và tra cứu là có thể tìm được các đơn vị bảo vệ quyền lợi cho mình như: Tìm kiếm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay gọi đến tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hội bảo vệ người tiêu dùng, Ban chỉ đạo 389, tổ công tác đặc biệt 334 (Bộ Công Thương) hoặc thông qua các cơ quan báo chí thông tấn…
Có thể thấy, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm chung của Nhà nước, mà còn của toàn xã hội, trong đó các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để luật đi vào cuộc sống và được người dân tiếp nhận một cách chủ động thì việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc hiểu luật để tự bảo vệ mình, thì cần phải có biện pháp chế tài xử lý đủ mạnh đối với những doanh nghiệp làm ăn không chân chính. Thậm chí, cần phải có những chế tài đối với cả những đơn vị để tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra triền miên.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), vấn nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn làm mất niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước. Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đẩy mạnh vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…ra khỏi đời sống, thì cần phải tạo được sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.