Biến đổi khí hậu thúc đẩy các tàu vận tải biển sử dụng năng lượng gió và hạt nhân trong tương lai
Sự phát triển của thương mại quốc tế có thể khiến vận tải biển góp tới 17% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2050…
Ở thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp vận tải biển chiếm 3% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu, lượng carbon dioxide thì bằng tất cả các nhà máy điện than ở Hoa Kỳ cộng lại. Chính vì vậy, để giảm lượng carbon dioxide cũng như làm chậm hiện tượng nóng lên toàn cầu, các nhà nghiên cứu đang suy xét đến việc dùng các nhiên liệu sạch như gió, hạt nhân và điện trong tương lai.
Các nhà khoa học cũng đã đưa ra lời cảnh báo rằng, nếu thương mại quốc tế phát triển mà vẫn còn phụ thuộc nhiều vào con đường vận tải biển sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì đến năm 2050, rất có thể lượng phát thải khí nhà kính thải ra sẽ tăng lên 17%.
Năm 2018, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), cơ quan của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại London đã đặt mục tiêu năm 2050 giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2008. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình lại cho rằng con số mục tiêu quá nhỏ. Họ nhấn mạnh rằng IMO nên đặt lại mục tiêu khử 100% lượng carbon thải ra. Song, điều này nên diễn ra càng sớm càng tốt.
“IMO đang rất chậm chạp trong việc triển khai các biện pháp và chiến lược về khí hậu”, Lucy Gilliam, Giám đốc Chính sách vận chuyển Seas at Risk, tổ chức phi chính phủ về môi trường cho hay.
Theo Tech163 đưa tin, tính tới hiện nay đã có 33/94 công ty vận tải biển lớn trên thế giới cam kết mình sẽ đạt mức phát thải bằng không vào năm 2050, hoặc sẽ giúp Tổ chức Hàng hải Quốc tế đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
Giải pháp đơn giản nhất hiện tại là giảm tốc độ tàu, qua đó có thể giảm được phần nào lượng khí thải carbon. Các bên đóng tàu cũng đang thử nghiệm việc phủ một lớp bọt khí lên vỏ tàu để làm giảm lực cản, sử dụng cung êm ái hơn, động cơ, chân vịt và lực đẩy hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, họ sẽ dần dần đưa hệ thống hỗ trợ điều hướng AI vào sử dụng.
Ngoài ra, ngành công nghiệp vận tải biển cũng đang bắt tay vào việc thiết lập “hành lang xanh”, có các tuyến vận tải và các cảng cụ thể hỗ trợ giải pháp và chính sách không phát thải.