Blog chứng khoán: Nản với cơ sở, “làm trò” với phái sinh
Thị trường tiếp diễn những nhịp “co giật”, nhưng cơ bản vẫn đi theo con đường ít cản trở nhất là giảm. Bất kể thị trường xuất hiện thông tin gì đi nữa thì xu hướng giảm đã định hình, thông tin chỉ là một cú hích đúng thời điểm...
Thị trường tiếp diễn những nhịp “co giật”, nhưng cơ bản vẫn đi theo con đường ít cản trở nhất là giảm. Bất kể thị trường xuất hiện thông tin gì đi nữa thì xu hướng giảm đã định hình, thông tin chỉ là một cú hích đúng thời điểm.
Kể từ khi thị trường đạt đỉnh cuối tháng 1/2023, liên tiếp các phiên giảm nhỏ xen kẽ những cú sụt biên độ lớn. Tăng thì ít, giảm thì nhiều và thanh khoản ngày càng “teo tóp”. Đó là do hiệu ứng chán nản từ phía người cầm cổ. Lúc này không nên đổ lỗi cho bất kỳ gì khác, đơn giản là trong cuộc “thi gan” này, người cầm cổ có tâm lý kém hơn.
Hiệu ứng giảm bán từng thời điểm trong phiên đã tạo nhiều dao động mang tính rủi ro cao đối với người mua. Khi bán ít, cầu nhỏ đẩy lên ngắn sau đó bán tăng nên giá lại rơi xuống. Tùy vào biên độ cả chiều tăng lẫn áp lực bán như thế nào mà độ lớn của dao động rộng hay hẹp, khiến nhà đầu tư mua đuổi giá mắc kẹt ở ngưỡng cao hay thấp.
Thêm nữa, các trụ hoạt động thất thường là một yếu tố xúc tác bất lợi. Ví dụ hôm nay VCB, CTG, BID, HPG có nhịp tăng tạo độ nảy tốt ở chỉ số, thậm chí có lúc vượt tham chiếu, gây ấn tượng về cơ hội đảo chiều lôi kéo một bộ phận người mua. Các trụ này sau đó đổ sập tạo tâm lý hoảng loạn và lực bán mạnh lên. Do thanh khoản chung rất thấp nên xác suất biến động kiểu này càng cao, rất dễ “loạn chưởng” đối với các giao dịch ngắn hạn.
Với xu hướng điều chỉnh đã rõ thì điều quan trọng nhất là bảo toàn nguồn lực để chờ đến thời điểm giải ngân thuận lợi. Không gì đau bằng hết tiền khi giá cổ phiếu “chạm đáy”. Thị trường có thể đi xuống chậm, nhưng với bối cảnh thông tin, dòng tiền hiện tại thì con đường ít cản trở nhất là giảm. Vì vậy chỉ cần kiên nhẫn chờ thời điểm và làm bài tập về nhà.
Thị trường phái sinh hôm nay phần lớn thời gian không chơi được vì F1 đi ngang hẹp bất kể VN30 đánh võng chuẩn trong biên độ 1062.xx – 1053.xx. Basis co dãn khiến Long hay Short đều khó. Biến động đáng chú ý là nhịp tăng buổi chiều. Kiểu dao động này đã diễn ra vài lần rồi, lần nào cũng có bóng dáng của VCB. Quan sát F1 sẽ thấy basis đảo chiều âm và VN30 còn chưa tới nổi 1062.xx, tức là chỉ gần test đỉnh mà không đẩy thốc vượt đỉnh như các lần trước. Trong khoảng 20 phút chiều tăng của VN30 lượng hợp đồng giao dịch là 27k. Có vẻ Short “liều” hơn những lần trước (không treo sẵn ở phía trên đỉnh). Nếu chọn Short thì có rủi ro về biên độ nếu VN30 được chặn lại tại vùng 1053.xx. Vì thế trong trường hợp đây là một “game” thì biên độ phải đủ rộng, tức là xác suất cao VN30 sẽ thủng 1053.xx. Do đó các trụ phải giảm mạnh. Trên thực tế VN30 chỉ chớm giảm quá 1053.xx, còn chưa tới hỗ trợ kế tiếp ở 1046.xx nhưng vẫn đạt hiệu quả cao khi cả VN30 lẫn F1 đều thủng đáy intraday, đẩy toàn bộ Long vào vị thế sai. Nói đơn giản, diễn biến chiều nay là kịch bản ngược của các lần trước.
Với xu hướng giảm đã định hình, thị trường sẽ tiếp tục từ từ chìm xuống, trong phiên vẫn sẽ có các nhịp co giật do kéo hay ép trụ. Chiến lược là Long/Short linh hoạt, chú ý quan sát trụ và basis.
VN30 chốt hôm nay tại 1048.74. Cản gần nhất phiên tới là 1053; 1063; 1072; 1082. Hỗ trợ 1047; 1044; 1034; 1022; 1018; 1011; 1004.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.