Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Trước khi được giao trọng trách, luôn là sự thử thách"
Làm việc với Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh những khó khăn mà Tạp chí phải trải qua chính là thử thách trước khi được trao trọng trách...
Ngày 16/6, lãnh đạo và toàn thể biên tập viên, phóng viên tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam- VnEconomy - Vietnam Economics Times hân hạnh được đón Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đến thăm và có buổi làm việc nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.
Cùng tham dự chuyến thăm còn có ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Bùi Hoàng Phương - Chánh văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục báo chí, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục phát thanh và truyền hình và bà Hoàng Thị Phương Lựu - Phó chánh văn phòng, Thư ký Bộ trưởng.
Tại buổi làm việc, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam TS. Chử Văn Lâm nhấn mạnh, Thời báo Kinh tế Việt Nam là tờ có tiếng trong làng báo, hiện đã chuyển đổi thành công thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam và vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ.
VƯỢT THỬ THÁCH, GÁNH TRỌNG TRÁCH LỚN LAO TRONG NỀN KINH TẾ SỐ
Chia sẻ tại chuyến thăm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự ngạc nhiên trước khí thế mới và sự đoàn kết của toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam.
“Cũng có lúc tôi, anh Bảo và anh Lâm và các anh trong Bộ nghĩ rằng Thời báo Kinh tế Việt Nam sẽ kết thúc và không nghĩ Thời báo sẽ vượt qua được khó khăn. Nhưng cuộc đời phải đi qua những chặng đường như thế. Những người tiếp tục gắn bó với nhau và gắn bó với tổ chức đi tiếp. Những khó khăn vừa qua giống như một phép thử với Thời báo Kinh tế Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
"Trời thường có phép thử trước khi giao trọng trách". Trọng trách ở đây là dẫn đầu thông tin về nền kinh tế số, đồng hành đưa Việt Nam trở thành trung tâm nền kinh tế số vào năm 2045".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Theo Bộ trưởng, lịch sử Thời báo Kinh tế Việt Nam cũng đã trải qua mấy chục năm, khi khó khăn, tái sinh thì tìm lại giá trị cốt lõi của mình. “Tôi tin rằng sứ mệnh mới của báo chí, Đại hội Đảng 13 cũng là lần đầu tiên Đảng nhắc đến khát vọng Việt Nam hùng cường, phồn vinh và thịnh vượng để thấy rằng vai trò của sức mạnh tinh thần. Một tổ chức hay một đất nước nào cũng vậy muốn bứt phá vươn lên thì tinh thần là số một, tinh thần hơn cả vật chất”, Bộ trưởng nói.
“Tạp chí Kinh tế Việt Nam chọn kinh tế số là đúng hướng vì đây sẽ là động lực chính dẫn dắt. Nếu kinh tế Việt Nam muốn đi lên thì chắc chắn kinh tế số phải dẫn đầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Trong quá trình thoát thai, có những người ra đi để người ở lại đồng lòng hơn, những người ở lại vì tình yêu. Đó là chuyện bình thường. Rõ ràng có sự thay đổi. Mọi sự lựa chọn đều đúng cả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét. “Tôi hiếm thấy một tình yêu lớn như vậy, ở những người bình thường. Ở đây chúng ta đã làm được một việc rất lớn. Gọi là trời thử thách trước khi giao trọng trách”.
Bộ trưởng cho rằng Tạp chí Kinh tế Việt Nam đang sở hữu một gia tài lớn, đó là lượng độc giả trung thành hàng tháng lên tới đơn vị hàng triệu.
Nói về tình yêu của những người làm báo với tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trong số 800-900 cơ quan báo chí thì Tạp chí Kinh tế Việt Nam nằm trong top đầu. Đây là thứ kết dính, tạo ra năng lượng để làm ra những điều lớn lao, đây cũng là một loại tài sản.
GẮN KẾT GIỮA ĐỘI NGŨ LÃNH ĐẠO GẠO CỘI VÀ THẾ HỆ TRẺ
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết ông cảm thấy an tâm khi nhìn thấy sự gắn kết giữa thế hệ những người làm báo gạo cội cùng với lực lượng trẻ. "Sự kế thừa, gắn kết lẫn nhau giữa các thế hệ, tôi cảm thấy tờ báo này khó mà lệch định hướng".
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục báo chí, nhận xét Tạp chí Kinh tế Việt Nam sau chuyển đổi vẫn giữ được chất lượng tin bài.
Ông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá Tạp chí Kinh tế Việt Nam là cơ quan báo chí có số lượng và chất lượng tin bài tốt nhất về công tác phòng chống dịch Covid-19.
"Tạp chí có bề dày lịch sử và có tương lai phát triển tốt, tập thể người lao động được rèn luyện thử thách, chuyên môn nghiệp vụ tốt và có tâm huyết với nghề. Với những tòa soạn khó khăn trong quá trình tái cơ cấu thì Tạp chí Kinh tế Việt Nam chính là nơi để các tòa soạn khác nhìn vào để được tiếp tinh thần, động lực phấn đấu”, Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm khẳng định, về câu chuyện chuyển đổi, số hoá, kinh tế số, Tạp chí Kinh tế Việt Nam thấm thía và đang chuyển hướng mạnh vào lĩnh vực kinh tế số. Sau chuyển đổi, Tạp chí Kinh tế Việt Nam vẫn muốn hướng tới, hình hành một trung tâm thông tin để tất cả những cá nhân, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm đến nền kinh tế số Việt Nam phải tìm đến tạp chí để đọc.
Trên cơ sở đó, ông Chử Văn Lâm đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông tạo cơ chế, điều kiện cho Tạp chí Kinh tế Việt Nam, thí điểm cơ chế phát triển theo hướng trên.
Thay mặt toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Chử Văn Lâm đã cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các đồng chí lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã quan tâm, động viên, ủng hộ và chỉ hướng đi trọng tâm trong tương lai. Tổng biên tập cũng mong muốn là trong quá trình thực hiện nếu còn khó khăn, mong Bộ trưởng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi.