“Bóng ma” SVB và bài học với Việt Nam
Một ngân hàng có tỷ trọng lớn tiền gửi kỳ hạn ngắn, dự trữ thấp, gặp môi trường lãi suất cao dẫn tới suy giảm giá trị các khoản đầu tư trái phiếu dài hạn như SVB, bị vướng bẫy thanh khoản kỳ hạn thì không có gì lạ. Đây là loại rủi ro từng làm chao đảo hệ thống tài chính, ngân hàng thế giới và cả ở Việt Nam vào các năm 1997 hay 2007 – 2008, và nay, “bóng ma” đó đang trở lại, bắt đầu từ SVB...
Ngày 10/3/2023, thị trường tài chính toàn cầu rúng động vì Silicon Valley Bank (SVB) – ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ phải đóng cửa. Chỉ trong vòng 10 ngày sau đó, Mỹ chứng kiến thêm các ngân hàng ngừng hoạt động là Signature Bankvà First Republic Bank trên bờ vực sụp đổ.
Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) và Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành gói hỗ trợ trị giá 25 tỷ USD cho các ngân hàng nhằm hỗ trợ các khách hàng gửi tiền, nhưng giới đầu tư vẫn không ngớt hoài nghi về mức độ an toàn của các ngân hàng Mỹ.
PHÁ SẢN BỞI RỦI RO THANH KHOẢN KỲ HẠN
Dấu hỏi lớn về hiệu quả các cơ chế giám sát hoạt động ngân hàng của Mỹ được đặt ra. Liệu SVB có phải là Lehman Brothers thứ hai? Kịch bản khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 có lặp lại?
Nếu như chất lượng tài sản dưới chuẩn và rủi ro đầu tư cao là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ năm 2008 của Lehman Brothers, thì ở đây, các chứng khoán mà SVB nắm giữ đều rất an toàn do được Chính phủ hoặc tổ chức do Chính phủ tài trợ (Fannie Mae, Freddie Mac, Ginnie Mae) phát hành/bảo lãnh. Vấn đề chính của SVB nằm ở khả năng quản trị rủi ro thanh khoản kỳ hạn.
SVB là một ngân hàng tư nhân trực thuộc SVB Financial Group (NYSE: SIVB) có trụ sở chính tại Santa Clara, California, Mỹ.
Tính tới cuối năm 2022, ngân hàng có tổng tài sản 209 tỷ USD, chiếm khoảng 1% quy mô tài sản toàn hệ thống ngân hàng Mỹ, trong đó bao gồm 175 tỷ USD tiền gửi khách hàng và 15,5 tỷ USD vốn chủ sở hữu.
Quá trình tăng trưởng của SVB gắn liền với thời kỳ “tiền rẻ”. Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phần lớn bị ngưng trệ, song nhờ Fed áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua các gói định lượng (QE), hoạt động sản xuất kinh doanh nhìn chung phục hồi mạnh mẽ.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ đã gia tăng cả về quy mô và số thương vụ đầu tư năm 2021 trong bối cảnh lãi suất thấp. Theo dữ liệu từ PitchBook, trong năm 2021, trung bình mỗi quý có 4.000 – 5.000 thương vụ đầu tư vào start-up với giá trị 80 tới gần 100 tỷ USD (trong khi giai đoạn trước chỉ khoảng 3.000 thương vụ được thực hiện với quy mô trên dưới 40 tỷ USD mỗi quý), trong đó, hơn 3/4 số vốn được các quỹ này rót vào ngành công nghệ.
Tệp khách hàng chủ đạo của SVB là các startups, quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital), công ty công nghệ và công ty chăm sóc sức khỏe (chiếm gần 50%).
Dù thu hút được lượng tiền gửi khổng lồ nhưng SVB đã sai lầm trong quản lý thanh khoản, dùng nguồn vốn ngắn hạn là tiền gửi khách hàng để đầu tư vào các tài sản trung – dài hạn, dẫn đến rủi ro chênh lệch kỳ hạn. “Quả bom” chênh lệch kỳ hạn này đã phát nổ khi năm 2022, Fed thắt chặt tiền tệ với tốc độ nhanh chưa từng thấy nhằm kiểm soát lạm phát.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 của SVB, ngân hàng này đã dùng 66% quy mô tiền gửi khách hàng (mang tính ngắn hạn) để đầu tư vào tài sản có kỳ hạn dài.
Cụ thể, SVB phân bổ khoảng 117/ 175 tỷ USD vào các chứng khoán nắm giữ tới ngày đáo hạn (HTM) và chứng khoán sẵn sàng để bán (AFS), cho vay 74 tỷ USD và chỉ gửi 12 tỷ USD tại tổ chức tài chính. Đáng nói, trong 117 tỷ USD chứng khoán, chỉ 1,1 tỷ USD là các chứng khoán có thời gian đáo hạn dưới 1 năm, còn lại là các trái phiếu kỳ hạn dài.
Lãi suất điều hành của Mỹ tăng mạnh trong năm 2022 khiến việc huy động vốn của các start-up, quỹ đầu tư mạo hiểm trở nên khó khăn hơn; dẫn tới nhu cầu rút tiền tại các ngân hàng gia tăng đáng kể. Quy mô tiền gửi khách hàng tại SVB đã có sự sụt giảm kể từ quý 1/2022.
Với cơ cấu tài sản của SVB tập trung phần lớn vào các trái phiếu kỳ hạn dài và chỉ để hơn 12 tỷ USD tiền mặt. Tỷ lệ dự trữ tiền mặt (CRR) của SVB chỉ ở mức 6,7% (12 tỷ USD/175 tỷ USD tiền gửi). Khi khách hàng rút tiền với quy mô lớn, nguy cơ mất khả năng thanh toán xuất hiện do số dư tiền gửi không đủ để thanh toán cho khách hàng.
Khi các khách hàng đồng loạt thực hiện rút tiền khỏi ngân hàng, kết hợp yếu tố môi trường lãi suất cao dẫn tới suy giảm giá trị các khoản trái phiếu nắm giữ, SVB đã bị mất khả năng thanh toán.
Ngày 8/3/2023, để có tiền trả cho khách hàng, SVB đã thực hiện bán 21 tỷ USD tài sản AFS và hạch toán lỗ 1,8 tỷ USD. Đồng thời, để bù đắp khoản lỗ này, SVB cũng thực hiện cuộc gọi vốn với tổng quy mô 2,25 tỷ USD nhưng không thành vì giá cổ phiếu giảm 60% trong ngày 9/3.
Trong ngày 9/3, khi các khách hàng rút 42 tỷ USD thì số dư tiền mặt của SVB bị âm 900 triệu USD vào cuối ngày. Ngay lập tức, Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) phải đóng cửa SBV và tiến hành xử lý tài sản từ trưa 10/3.
LỜI NHẮC NHỞ ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG VIỆT NAM
Nhớ lại thời điểm khủng hoảng tài chính tại Mỹ vào các năm 2007 – 2008 sau đó lan khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, đã cho thấy bài học quản trị rủi ro thanh khoản kỳ hạn của hệ thống ngân hàng không bao giờ cũ.
Giai đoạn 2007 – 2011, nền kinh tế Việt Nam có sự thâm dụng tín dụng ở mức rất cao, đặc biệt lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng tín dụng rất lớn. Khi khủng hoảng tài chính thế giới thẩm thấu vào Việt Nam, kết hợp với bất ổn nội tại, đã đẩy nền kinh tế lâm vào tình trạng bong bóng tài sản, chủ yếu là bất động sản, chứng khoán và vàng; lạm phát tăng phi mã.
Cuối năm 2011, Chính phủ buộc phải ban hành một nghị quyết tầm cỡ quốc gia về “giảm tổng cầu” để bắt đầu một hành trình cấu trúc lại nền kinh tế, chấp nhận những rủi ro không mong đợi. Trong đó, những rủi ro của nền kinh tế đã dồn một phần rất lớn áp lực lên hệ thống ngân hàng với con số nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng được xác định năm 2012 ở mức khoảng 17%/tổng dư nợ, tương đương 500 nghìn tỷ đồng...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2023 phát hành ngày 27-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam